Loạt nhân viên bị đuổi việc: Mong "chuyện lạ" này xảy ra thường xuyên hơn
(Dân trí) - Tuần qua ghi nhận có một loạt cán bộ, nhân viên của các doanh nghiệp, trong đó có cả công chức nhà nước ở một số tỉnh, thành phố phải nhận hình thức kỷ luật đuổi việc. Đây là điều khá lạ.
Điều phải nói ngay đầu tiên là, các "án" kỷ luật đuổi việc ngay và luôn của các cơ quan, doanh nghiệp với người vi phạm của họ đều là đích đáng cả.
Thứ nhất là vụ ông thanh tra xe buýt Phạm Bá T., người đã ngay lập tức bị Công ty xe buýt Mạnh Hào, tỉnh Bắc Ninh đuổi việc trong ngày sau khi báo chí, mạng xã hội đăng tải các thông tin, hình ảnh, có cả video clip về việc anh này đã có hành vi đe dọa, chửi bới, thậm chí dọa "cắt cổ hành khách" ngay trong ngày 27/8.
Vụ thứ hai là một nhóm công nhân làm việc tại công trường thi công dự án đại tu cầu Thăng Long do có hành vi ném các vật liệu xây dựng như các thanh sắt cỡ lớn từ trên cầu xuống bãi đất bên dưới, có thể gây nguy hiểm các các phương tiện giao thông bên dưới. Qua các video clip do người dân bức xúc ghi lại chiều ngày 28/8, không chỉ là vấn đề có thể gây nguy hiểm chết người mà hành vi trên có dấu hiệu của việc ăn trộm vật liệu xây dựng (sắt, thép) để đem bán.
Chính vì điều này, ngay trong ngày 29/8, tức là chỉ 1 ngày sau, Ban quản lý dự án 3 (thuộc Tổng cục Đường bộ)- chủ đầu tư dự án đã lập tức sa thải cả nhóm công nhân nói trên. Tuy nhiên, những người này không bị buộc tội là ăn cắp vật liệu xây dựng.
Còn một loạt các vụ cho nghỉ việc đáng chú ý khác như vụ một cô nhân viên Văn phòng đăng ký đất đai của Thành phố Đà Nẵng cho bạn "mượn" 22 bản Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất (sổ đỏ) của người dân.
22 cái "sổ đỏ này" mặc dù đã đủ điều kiện cấp nhưng cô nhân viên kia đã không cấp cho chủ sở hữu mà lại cho bạn mượn và hậu quả là không đòi lại được. Cô này không những bị cho nghỉ việc ngay mà đã bị Công an Thành phố Đà Nẵng khởi tố về tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ".
Những người này bị đuổi việc thật chẳng oan tí nào. Nhiều người biết chuyện cũng đều hả lòng, hả dạ. Mặc dù chúng ta có thể nói, làm việc ai cũng có thể có sai lầm và thật là tốt nếu như có được cơ hội sửa chữa sai lầm. Nhưng quả thật, có những hành vi, có những lỗi lầm, như những sai phạm trên, là những lỗi nghiêm trọng, gây hại cho người dân, cho nhà nước thật khó có thể dung thứ. Hình thức kỷ luật "đuổi việc" có lẽ là nhẹ nhất có thể với họ để đảm bảo kỷ cương, kỷ luật, răn đe những người khác không dám có hành vi tương tự.
Nhưng trong cùng một tuần mà dồn dập xảy ra một loạt các việc như vậy và các cơ quan, đơn vị đều rất nhanh chóng kiểm tra, sau khi đã làm rõ thì áp dụng ngay một hình thức kỷ luật nghiêm khắc như vậy cũng là điều mới mẻ. Bởi vì trước đây, chúng ta cũng đều hay thấy, có rất nhiều vụ việc nghiêm trọng hơn, nhiều nơi người ta sẽ mất rất nhiều thời gian thanh tra, kiểm tra rồi cuối cùng lại áp dụng các hình thức kỷ luật không đâu vào đâu như: Rút kinh nghiệm hay rút kinh nghiệm sâu sắc. Thậm chí, kỷ luật xong thì rất nhanh chóng luân chuyển, để người vi phạm ở vị trí công tác cao hơn.
Nhưng đáng tiếc, chúng ta cũng thấy là ở đây, đa phần là nhân viên ở vị trí thấp, có người ở cơ sở doanh nghiệp tư nhân, chứ cũng ít thấy bóng dáng cán bộ, quan chức có chức quyền cao một chút ở các cơ quan nhà nước. Có lẽ, những người như vậy, sẽ khó đuổi việc hơn nhiều.
Dù với những vụ việc trên, cũng còn có nhiều ý kiến khác. Có người sẽ nói là đuổi việc là còn nhẹ, chưa ăn thua, phải khởi tố, phạt tù... Nhưng dù sao, cũng nên ghi nhận là các cơ quan, đơn vị nơi xảy ra các vụ việc "nóng" như vậy đã xử lý rất nhanh và công bằng mà nói, mức kỷ luật đuổi việc hay đình chỉ công tác cũng không phải là nhẹ. Với những vi phạm nặng thì nó cũng chỉ là bước đầu để cơ quan chức năng xem xét, xử lý ở mức nghiêm khắc hơn, không loại trừ chuyển cơ quan điều tra truy tố.
Cho nên bước đầu, việc cho nghỉ việc ngay và luôn với những cán bộ, nhân viên như thế là rất đáng ghi nhận. Đó thật sự là những chuyện vẫn còn "lạ" và chúng ta cũng nên mong hình thức xử lý kỷ luật ấy nên được áp dụng thường xuyên hơn.