Lỗ hổng khiến đại dịch Covid-19 có nguy cơ trở lại Việt Nam
(Dân trí) - Sau 99 ngày liên tiếp không có ca nhiễm SARs-CoV-2 mới trong cộng đồng, ở Đà Nẵng đã liên tiếp xuất hiện 2 trường hợp nhiễm bệnh. Liệu đây có phải hậu quả của sự chủ quan, lơ là trong quản lý?
Điều đáng lo ngại là cho đến nay, mặc dù ca lây nhiễm đầu tiên sau 99 ngày không có ca nhiễm mới từ cộng đồng đã tiếp xúc với hàng trăm người nhưng cơ quan y tế, cơ quan quản lý vẫn chưa thể xác định được ca nhiễm có số 416 này lây nhiễm từ ai. Nói đơn giản là đến nay, vẫn chưa thể tìm được F0.
Và đáng lo ngại hơn, như Dân trí đã đăng tin, sáng hôm qua (26/7), thêm một trường hợp lây nhiễm từ cộng đồng nữa tại Đà Nẵng đã được khẳng định dương tính với SARs-CoV-2 là một bệnh nhân tại phường Thanh Bình, quận Hải Châu của Đà Nẵng.
Mặc dù vẫn khẳng định rằng, cho đến thời điểm này, công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam là rất thành công và điều này không phải chỉ do Việt Nam tự đánh giá mà nhiều nước, nhiều tổ chức có uy tín, báo chí thế giới cũng đã thừa nhận.
Tuy nhiên, với 2 ca mắc mới từ cộng đồng tại Đà Nẵng thực sự đang dấy lên mối lo ngại mới về một nguy cơ Covid-19 có thể bùng phát trở lại nếu công tác phòng, chống dịch chủ quan, lơ là cả về phía cơ quan quản lý nhà nước và người dân.
Hiện các cơ quan quản lý nhà nước đang tích cực tổ chức điều tra, khoanh vùng và truy tìm người nhiễm bệnh đầu tiên (F0) đã lây cho 2 trường hợp lây nhiễm từ cộng đồng mới nhất.
Nguyên nhân, nguồn gốc lây bệnh mới chắc sẽ được sớm làm rõ và xử lý triệt để. Tuy nhiên, cũng không loại trừ việc quản lý có phần lơi lỏng đã dẫn đến hậu quả là đã có các ca nhiễm mới như trên.
Điều đáng chú ý là cùng thời điểm trên, như Dân trí đã đưa tin, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 ngày 25/7, theo ông Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, Đà Nẵng vừa phát hiện 52 trường hợp người nước ngoài (trong đó đa số người Trung Quốc) và Quảng Nam có 21 người nước ngoài nhập cảnh trái phép. Có một số người nước ngoài còn sử dụng giấy tờ giả để đi tới các địa phương khác.
Đây thực sự là một vấn đề đáng báo động vì đó là nguy cơ lây nhiễm cao nếu như trong số những người nước ngoài trên, có những người nhiễm SARs-CoV-2 mà không được kiểm soát, họ thường xuyên di chuyển ở nơi công cộng và trên phạm vi rộng. Nhất là nhiều người trong số này lại đến từ vùng vẫn đang có dịch Covid-19 hoành hành, bùng phát trở lại (Trung Quốc).
Về phía người dân, trong thời gian qua, không phải không có những dấu hiệu cho thấy nhiều người cũng đã chủ quan do đã hơn 3 tháng không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, rất nhiều người đã không còn đeo khẩu trang, thực hiện biện pháp phòng dịch ở nơi công cộng (xịt cồn rửa tay)...
Những trường hợp lây nhiễm mới trong cộng đồng vừa qua tại Đà Nẵng cũng rất có thể có phần là do họ không thực hiện các biện pháp phòng dịch cần thiết như Bộ Y tế khuyến cáo.
Tuy nhiên, nhìn về phía cơ quan quản lý, việc để tới 52 người nước ngoài tại Đà Nẵngvà 21 người tại Quảng Nam nhập cảnh trái phép thực sự là một lỗ hổng về quản lý đòi hỏi cần gia tăng các biện pháp để thắt chặt quản lý.
Nếu như các cơ quan quản lý nhà nước không quyết liệt siết chặt quản lý nhập cảnh, nhất là với người đến từ các vùng có dịch bên ngoài, chắc chắn đây là một nguy cơ không nhỏ đe dọa giảm đi hiệu quả của những nỗ lực phòng, chống dịch của Việt Nam.