Liều thuốc đặc hiệu cho "căn bệnh" lạm quyền
(Dân trí) - Đọc tin tức trên báo chí, mạng xã hội trong khoảng hơn 1 tuần qua, rất dễ thấy, có một loạt vụ việc có dấu hiệu lạm quyền ở giới cán bộ, công chức cơ sở. Nhưng cũng đáng mừng là ở những cơ quan cấp trên, người ta đã nhanh chóng chấn chỉnh tình trạng đó và bằng công cụ mới.
Câu chuyện thời sự nhất, như Dân trí đã đưa tin: Em Ngô V.A, tân sinh viên của một trường Đại học ở Hà Nội đã gặp khó khi làm thủ tục nhập học do bản sơ yếu lý lịch của em bị cán bộ xã Duyên Hà (Thanh Trì-Hà Nội) phê: “bản thân và gia đình chưa chấp hành chủ trương chính sách của nhà nước". Mà cũng chỉ vì nhà em khó khăn, chưa có tiền đóng góp xây dựng nông thôn mới với số tiền chỉ hơn 400.000 đồng.
Ngay khi câu chuyện này lan truyền trên mạng xã hội và báo chí, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã yêu cẩu kiểm tra, kiểm điểm cán bộ đã có lời phê bất hợp lý. Cán bộ xã này đã phải xin lỗi và xác nhận lại vào sơ yếu lý lịch của sinh viên Ngô V.A.
Chỉ cách đó 2 ngày, một chuyện tương tự cũng xảy ra với một em sinh viên khác ở Nam Sách, Hải Dương khi Phó Chủ tịch xã An Bình phê vào sơ yếu lý lịch của em này: "Bản thân và gia đình chưa chấp hành và thực hiện tốt quy định tại địa phương". Và nguyên nhân vẫn là chuyện gia đình khó khăn, chưa có tiền đóng góp cho chương trình xây dựng nông thôn mới của xã.
Và cũng qua báo chí, mạng xã hội, chính quyền cấp trên của xã này đã yêu cầu UBND xã An Bình kiểm điểm và chấn chỉnh sai phạm này.
Ở cả 2 vụ việc cùng một tính chất như trên, dấu hiệu lạm quyền khá rõ khi chính quyền cơ sở thay vì làm đúng chức năng của mình, chứng nhận những kê khai trong các bản kê khai lý lịch đó là sai hay đúng, lại quàng vào đó những nhận xét mà chưa chắc đã hợp lý, đúng đắn với công dân.
Những "bút phê" cay nghiệt đó nếu không được khiếu nại, được phát hiện, bị lên án, rất có thể nó gây ra nhiều khó khăn, làm mất cơ hội về học hành, tuyển dụng của công dân.
Nhưng điều may mắn là ngày nay, trong khi hệ thống, cơ chế giám sát quyền lực ở chính quyền cơ sở vẫn còn nhiều khiếm khuyết thì người dân đã có thêm công cụ mới để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Đó là báo chí và mạng xã hội mà ở cả 2 việc trên, người ta đều thấy, công cụ đó hiệu quả như thế nào khi chính quyền cấp trên như lãnh đạo UBND Hà Nội đã nắm bắt được ngay lập tức vụ việc để có những chỉ đạo nhanh chóng, hợp tình, hợp lý, chấn chỉnh những việc lạm quyền ở cấp cơ sở.
2 vụ việc trên cũng chỉ là những ví dụ mới nhất. Những biểu hiện làm trái, lạm quyền ở không ít cán bộ, công chức từ Trung ương tới địa phương trong thời gian qua: Vụ nhóm cán bộ phường 15, quận Tân Bình phá khóa cửa nhà dân, bắt gà đi tiêu hủy (Báo Thanh niên phản ánh); Vụ Chủ tịch và cán bộ địa chính xã Điền Xá (Nam Định) bị khởi tố vì lạm quyền trong quản lý đất đai (Dân trí có bài viết); các vụ việc có dấu hiệu "mãi lộ" của cảnh sát giao thông ở một số địa phương... đều cho thấy, tình trạng lạm quyền vẫn chưa được kiểm soát tốt.
Thực tế, không chỉ ở Việt Nam, những kết quả nghiên cứu, khảo sát về hành chính công luôn cho thấy, khi có vị trí, quyền lực thì người nắm giữ nó luôn có xu hướng lạm dụng quyền lực. Vấn đề là ở bộ máy quản lý tốt, luôn có cơ chế giám sát quyền lực công để giảm thiểu tình trạng lạm dụng, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Và ở ta, xin nhắc lại, với một hệ thống mà cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực chưa tốt, việc tham khảo các kênh thông tin: Mạng xã hội, báo chí để theo dõi, quản lý cán bộ, công chức cấp dưới, như cách UBND Thành phố Hà Nội đã làm vừa qua với một loạt vụ việc: Vụ cấp giấy chứng tử cho công dân ở Phường Văn Miếu, kiểm điểm cán bộ vì bút phê, gây khó dễ cho công dân vào sơ yếu lý lịch... như đã nêu trên là điều rất đáng tham khảo cho lãnh đạo của nhiều bộ, ngành, địa phương khác.
Mạnh Quân