"Liệu có sa vào "chủ nghĩa bằng cấp"?

(Dân trí) - Liệu có sa vào “chủ nghĩa bằng cấp” không khi mà những việc diễn ra gần đây như cả nước có hàng vạn giáo sư, tiến sĩ nhưng nhiều phát minh, sáng chế lại thuộc về những nông dân “hai lúa” và đó có phải là tiếng chuông cảnh tỉnh trong phương cách sử dụng nhân tài?

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Việc Thanh tra Bộ Nội vụ phát hiện 7 trường hợp thiếu bằng đại học trong hồ sơ công chức giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý ở Thái Bình đã dấy lên những luồng quan điểm khác nhau trên Dân trí.

Sau khi kiểm tra 637 hồ sơ công chức giữ chức danh lãnh đạo, quản lý ở tỉnh này, đoàn thanh tra đã phát hiện có 7 trường hợp thiếu bằng đại học, 1 trường hợp thiếu bằng trung cấp, 149 trường hợp thiếu chứng chỉ quản lý nhà nước chương trình chuyên viên và 142 trường hợp thiếu chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A, B.

Trả lời báo chí, ông Phạm Văn Xuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, cho biết: “Sau khi chúng tôi chỉ đạo thì tới ngày hôm qua (9/1), đã có 6 anh em lấy bằng đại học về nộp rồi, còn 1 trường hợp xin khất, chưa nộp thôi. Thực chất là 7 anh em này đều có bằng đại học cả, chứ không phải không có. Anh em nói là học xong lâu rồi, có người để bằng ở trường cả chục năm. Trong quản lý hồ sơ thì có chỗ thuộc Ban Tổ chức Tỉnh ủy quản, có chỗ hồ sơ của anh em lại do các sở quản lý nên tại cơ quan bị kiểm tra, thanh tra thì thiếu nhưng bản chất thì không phải không có bằng. Nếu trường hợp nào không có bằng đại học thì chúng tôi phải xử lý ngay”- ông Xuyên nói.

Tuy nhiên, trong những bình luận gửi về Dân trí lại có những ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng trả lời của Phó chủ tịch Xuyên là chưa hợp lý.

Bạn le văn minh levanminh102@gmail.com) viết: “Học xong để bằng đại học ở trường cả chục năm trời thì phải xem lại. Vả lại khi bổ nhiệm phải có bản chính, photo có công chứng, không lấy về làm sao công chứng được?”.

Bạn Phạm Văn Lợi phamvanloihp@gmail.com đặt câu hỏi: “Ra trường xin việc bao giờ chẳng phải xuất trình bằng đại học hoặc chứng nhận tốt nghiệp đại học. Thế mà 7 ông không có bằng lại xin được việc! Các vị này thuộc tiêu chí nào?”

Song ngược lại với những ý kiến trên, bạn Truong Hanh Truongduchanh1905@gmail.com lại cho rằng đó là việc bình thường và còn lấy ví dụ cụ thể từ chính gia đình mình: “Các bạn không hiểu rồi, có những cán bộ ở thế hệ trước đây như cha chú chúng ta sau khi học xong thường để bằng đại học lại trường đi làm hoặc tham gia kháng chiến không lấy bằng gốc về. Khi có đợt kiểm tra họ mới lấy về và một số người lấy muộn. Bố tôi là một trường hợp, mới lấy cách đây 2 năm”.

Nhà báo Lê Thanh Phong, một cây bình luận “có hạng” hiện đang công tác tại báo Lao động cũng cho biết, bằng đại học của anh hiện không có trong hồ sơ mà để ở nhà.

Song, nhiều bạn lại đặt một vấn đề khác. Đó là bằng cấp có thật quan trọng không? Một người có đầy đủ bằng cấp, thậm chí bằng cấp rất cao nhưng không làm được việc thì liệu có hơn được người không có bằng cấp nhưng lại thực hiện xuất sắc công việc của mình?

Rồi liệu có sa vào “chủ nghĩa bằng cấp” không khi mà những việc diễn ra gần đây như cả nước có hàng vạn giáo sư, tiến sĩ nhưng nhiều phát minh, sáng chế lại thuộc về những nông dân “hai lúa” và đó có phải là tiếng chuông cảnh tỉnh trong phương cách sử dụng nhân tài?

Bạn Thu Hiền thaohien_244@yahoo.com viết: “Bằng cấp chỉ là bệ đỡ, quan trọng vẫn là năng lực và nhiệt tâm. Bỏ tiền mua bằng, quá dễ. Đại học ở Việt Nam nhiều trường gần như mở cửa mời sinh viên. Nếu các ông phanh phui những ai bất tài, ăn trên ngồi trốc thì tôi thấy chấp nhận được…”.

Nguyễn Anh Ngọc Anhngoc49@Gmail.com viết: “Vấn đề là những cán bộ đó có năng lực thật sự hay không? Những năm qua đạo đức và năng lực chuyên môn ở mức nào? Có đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao hay không? Còn mấy cái bằng rởm ấy thì quan tâm làm gì. Đến tiến sĩ còn rởm thì bằng đại học vớ vẩn ấy mua cũng như học, có kiến thức gì đâu”.

Huuphuc dthephuc@gmail.com chua chát: “Việt Nam ta đào tạo tiến sỹ làm gì vì không hiếm trường hợp "xoa đầu" rồi đỗ! Họ chẳng làm được gì ngoài việc hợp lý hóa ngạch, bậc lương! Họ còn thua cả mấy anh Hai lúa!”.

Trở lại với sự việc ở Thái Bình, lời giải thích của ông Phó chủ tịch Xuyên đã phản ánh một thực tế hiện nay không chỉ ở Thái Bình, đó là khâu quản lý hồ sơ của ta rất yếu: “Đây là một bài học trong việc quản lý công tác cán bộ với chúng tôi. Tại hội nghị tổng kết công tác nội vụ vừa diễn ra chúng tôi đã yêu cầu các ngành phải rút kinh nghiệm ngay; các sở ngành làm chưa đúng quy định thì năm tới phải rà soát hồ sơ, có báo cáo về phương hướng xử lý cụ thể.

Mong rằng “sợi dây kinh nghiệm” đừng… kéo dài vô tận nhưng còn mong hơn, xin đừng sa vào "hội chứng bằng cấp" bởi người xưa có câu "Cái áo không làm nên thầy tu"...

Bùi Hoàng Tám

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!