Liệu có phải tại cái “bả” danh lợi quá lớn...?
(Dân trí) - Tôi cứ băn khoăn tự hỏi, liệu có phải tại cái “bả” danh lợi quá lớn mà hết năm này qua năm khác, sự “bùng nhùng” trong việc phong tặng chức danh giáo sư, phó giáo sư vẫn chưa được khắc phục triệt để?
Cách đây mấy hôm (22.10), báo chí vừa rộ tin 16 giáo sư, phó giáo sư bị tố có vấn đề về các bài đăng báo quốc tế khiến thời gian công nhận chức danh GS, PGS năm nay có thể sẽ phải lùi lại muộn hơn so với mọi năm.
Báo Dân trí cũng cho biết, GS Nguyễn Ngọc Châu, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa có báo cáo gửi Hội đồng GS Nhà nước và Vụ Thanh tra, Bộ GD-ĐT.
Theo báo cáo gửi lên Hội đồng GS Nhà nước, thời gian qua GS Phạm Đức Chính (ngành Cơ học) và GS Nguyễn Ngọc Châu đã nhận được 11 thư tố cáo 16 ứng viên GS, PGS các ngành Y và Dược có vấn đề về tiêu chuẩn. Trong số 16 ứng viên bị tố cáo có 15 ứng viên đã được các Hội đồng GS ngành thông qua để xét công nhận đạt chuẩn GS, PGS năm 2020.
Trong đó, lý do các giáo sư nghi vấn là bởi hầu hết các bài báo của các ứng viên này đều đăng trên các tạp chí Open Access (OA). Đây là các tạp chí mở, thường mất phí để đăng tải. Hiện, nhiều quốc gia có hẳn một “dịch vụ” làm việc này và họ quảng cáo công khai tràn lan trên mạng xã hội.
Sự việc này chưa qua thì chỉ 2 ngày sau (24-10), GS Nguyễn Ngọc Châu tiếp tục cho biết, ông vừa nhận thêm email tố 21 ứng viên GS, PGS có hồ sơ không đủ tiêu chuẩn nhưng đã được Hội đồng GS ngành Y học thông qua…
Được biết, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã nhận được đơn tố cáo và sẽ lập tổ công tác để thẩm định hồ sơ của các ứng viên này.
Như vậy, sự việc rồi đây sẽ được làm rõ, trả lại sự công bằng cho các thành viên đồng thời đảm bảo sự nghiêm minh của luật pháp. Song, điều đáng suy nghĩ, đây không phải là lần đầu.
Nhớ lại cách đây 2 năm, cũng vì những “bùng nhùng” mà Hội đồng chức danh giáo sư đã phải hoãn, không xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư của năm này (2018).
Từ những sự việc trên khiến tôi nảy ra ý nghĩ, sao những vụ việc gian lận như thế này lại vẫn tái diễn? Có nên “trả” việc phong tặng chức danh này cho các cơ sở giáo dục đào tạo nơi họ trực tiếp giảng dạy hay là vẫn để tình trạng như hiện nay?
Nếu các cơ sở giáo dục phong tặng danh hiệu này, họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước và Nhân dân về uy tín cũng như chất lượng đồng thời cũng “khu biệt” rõ giáo sư (phó giáo sư) ngành gì, của cơ sở nào đào tạo đồng thời xóa đi tình trạng “giáo sư cả nước” mà không ít ý kiến cho rằng không còn thích hợp?
Tóm lại, câu hỏi đặt ra liệu có phải tại cái “bả” danh lợi quá lớn mà hết năm này qua năm khác, sự “bùng nhùng” vẫn chưa được khắc phục triệt để?