“Giáo sư nhiều thế, dân… nuôi sao nổi!?”
(Dân trí) - Song, nếu như cuộc “bùng nổ” chức danh này như một “chuyến tàu vét”, “hữu danh, vô thực” thì không chỉ buồn mà còn lo ngại như lời PGS.TS Ngô Tứ Thành: “GS/PGS tăng đột biến, sau một đêm ngủ lương tăng gấp đôi”. Xin đừng để có lời ca thán “Giáo sư nhiều thế, dân… nuôi sao nổi?”
Theo Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công bố, tổng số người đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017 là 1.226 người, tăng gần 60% so với năm trước.
Trong đó, có 85 người đạt tiêu chuẩn giáo sư, 1.141 người đạt tiêu chuẩn phó giáo sư. Trong năm 2016 số người đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư là 702 người. Như vậy, số lượng đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017 cao hơn năm trước là 534 người.
Đọc những thông tin trên, chắc chắn nhiều người không khỏi vui mừng vì không thể ngờ năm 2017 lại là một năm “được mùa”, “bội thu” của giới tinh hoa nước Việt, đồng thời hi vọng với đội ngũ trí thức hùng hậu như thế này, chắc chả mấy chốc mà chúng ta thành rồng, hóa hổ. Những công trình khoa học sẽ “như nấm mùa xuân”, đâm chồi nảy lộc, góp phần to lớn cho sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội nước nhà.
Trả lời phỏng vấn báo Dân trí, GS Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước nói: “Tôi có thể khẳng định, mặc dù đợt xét vừa rồi số lượng ứng viên có tăng so với mọi năm vì lý do khách quan nhưng chất lượng ứng viên đã được cải thiện đáng kể. Với xu thế này chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng những tiêu chí ngày càng cao hơn trong những năm tới”.
Tuy nhiên, lại có người tỏ ra lo ngại bởi ở ta, có khi điều đúng qui luật chưa chắc đã xảy ra đúng… qui luật, thậm chí có khi còn ngược lại. Đội ngũ càng đông bao nhiêu thì thành tựu có khi lại… càng thấp bấy nhiêu?
Do chưa yên tâm về chất lượng, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước nghiêm túc xem xét, rà soát kỹ lưỡng bảo đảm chất lượng theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/2/2018.
Công văn còn bày tỏ sự lo ngại một số người “không có đủ sách hoặc bài báo khoa học, không có đủ thời gian giảng dạy, nghiên cứu khoa học... Một số thành viên hội đồng có rất ít (thậm chí không có) công bố nghiên cứu khoa học quốc tế so với các ứng viên.
Không ít thông tin cho rằng đã có những dấu hiệu không bình thường khi thời gian nộp hồ sơ được kéo dài như một "đợt vét" trước khi có quy định mới về tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư và có ứng viên phải nộp hồ sơ trực tiếp tại Văn phòng Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước...”.
Ngay lập tức, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ - Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cũng triệu tập cuộc họp với Thường trực Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước và gửi công văn tới Chủ tịch các Hôi đồng ngành, liên ngành yêu cầu tổ rà soát kỹ lưỡng hồ sơ các ứng viên theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Về cá nhân, người viết bài này thật sự vui mừng với sự gia tăng “đột biến” này (tất nhiên nếu đó là thực chất) bởi với đội ngũ các nhà khoa học hùng hậu như vậy, chắc chắn nền kinh tế tri thức của chúng ta không có lý do gì không phát triển. Cuộc cách mạng 4.0 không lý do gì không thành công rực rỡ.
Song, nếu như cuộc “bùng nổ” chức danh này như một “chuyến tàu vét”, “hữu danh, vô thực” thì không chỉ buồn mà còn lo ngại như lời PGS.TS Ngô Tứ Thành - Đại học Bách Khoa Hà Nội: “GS/PGS tăng đột biến, sau một đêm ngủ lương tăng gấp đôi”.
Xin đừng để có lời ca thán “Giáo sư nhiều thế, dân… nuôi sao nổi?”
Bùi Hoàng Tám