Liêm chính… khó quá chăng?
(Dân trí) - Chỉ còn đúng 1 tháng nữa, năm 2018 sẽ khép lại. Hàng loạt các vụ án lớn nhỏ, về những lệnh khám xét, những quyết định khởi tố được báo chí đưa tin. Không ít giọt nước mắt đã rơi, những lời sám hối muộn màng tại các phiên tòa.
Trong số họ, có những người tóc đã bạc, trải bao thăng trầm thời cuộc, tưởng đã dạn dày với sương gió, bão tố cuộc đời. Có những người tuổi trẻ, tài năng nổi trội, tương lai tưởng chừng thênh thang phía trước... Thế nhưng, bởi không thể vượt qua được cám dỗ của vật chất, không làm chủ được quyền lực, họ sa ngã ngay trên con đường danh vọng.
Người hôm qua còn đứng ra bảo vệ cho sự nghiêm minh của luật pháp thì hôm nay đã đứng trước toà với tư cách “bị can”. Người hôm qua còn nhận được sự kính trọng và ngưỡng mộ của công chúng thì hôm nay mới lộ ra bao sai lầm, tội lỗi.
Thế nhưng, mọi thứ trên đời đều có nguyên do, gốc rễ chứ không hề là một canh bạc đỏ - đen. Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng mà khó thoát. Dù là ở cương vị nào nhưng hễ vi phạm pháp luật, sớm muộn rồi cũng phải trả giá.
Dân gian có câu “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”. Dù danh tiếng có là mục đích sống của một người hay không thì có một sự thật rằng, sau tất cả, thứ duy nhất còn lại với một con người, dẫu là quan hay là dân cũng không phải là vật chất mang theo, mà chính là danh dự.
Tại Hội nghị Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương diễn ra ngày 28/11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có những phát biểu rất đáng suy ngẫm, không chỉ với ngành công an mà còn với mọi tổ chức, cá nhân.
“Tự trọng là mình phải rất liêm chính (…) Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất. Thế nào là danh dự? Cao hơn tất cả, vật chất không là gì. Cái còn mãi với thời gian là danh dự, trọng liêm, trọng chính, trọng đức. Còn vật chất chỉ là phù vân, nó quý thì quý thật nhưng ông cha ta đã tổng kết: Danh thơm thì còn mãi”. Ông Trọng nói.
Ông nhắn nhủ lãnh đạo ngành công an: “Các đồng chí cũng cần nhấn mạnh trách nhiệm nêu gương, đặc biệt là nêu gương của người đứng đầu. “Trên chẳng chính ngôi thì dưới chúng tôi hỗn hào”. Trên nghiêm mới nói được dưới, dưới sợ không dám làm”.
Quả đúng vậy. Nếu một người thực sự tự trọng và liêm chính, coi trọng danh dự thì họ sẽ rất ít khi mắc phải sai phạm. Kể cả khi vô tình vướng vào sai phạm, họ cũng sẽ thẳng thắn nhận sai, khắc phục thiệt hại và công chúng vẫn dành cho họ sự cảm thông, chia sẻ.
Chỉ tiếc rằng, dường như một số quan chức không để ý điều này. Đâu đó vẫn có những vị chạy theo sự hào nhoáng bên ngoài, khoe oai với biệt phủ, xe sang, đồng hồ xịn… Đâu đó vẫn có những vị bị mờ mắt bởi “lại quả”, “hoa hồng” mà bất chấp danh dự, bất chấp luật pháp, sẵn sàng đánh đổi.
Cũng ý kiến cho rằng, đồng lương công chức không đủ sống, trong khi cám dỗ vật chất thì lại nhiều. Đương nhiên, có vị trí, chức quyền thì dễ nảy sinh lạm quyền, thậm chí lộng quyền. Chỉ có điều, vấn đề tiền lương nằm ở bất cập thể chế, tự trọng lại thuộc về vấn đề cá nhân.
Liệu có phải, để liêm chính được cũng… khó quá chăng?
Bích Diệp