"Lạy các ông, các bà tha cho chúng tôi…"!

Bùi Hoàng Tám

(Dân trí) - Người viết bài này đã hơn một lần phải thốt lên như vậy trước vấn nạn tiếng ồn từ karaoke đang diễn ra ở nhiều nơi…

Lạy các ông, các bà tha cho chúng tôi…! - 1

Song, có một thông tin làm thỏa lòng dư luận, đó là TP Hồ Chí Minh và tỉnh An Giang vừa đề xuất phương án dẹp karaoke tự phát bằng cách tăng hình thức và thẩm quyền xử phạt.

Thực ra, việc này không mới bởi đã có qui định của Chính phủ, cụ thể, Nghị định 167/2013, hành vi "gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau" có khung phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. 

Nghị định 155/2016 của Chính phủ quy định người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính gồm lực lượng Công an nhân dân, Chủ tịch UBND cấp huyện, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Tuy nhiên, mức phạt tiền thấp và cấp được quyền xử phạt cao nên chưa đủ sức răn đe và thực tế, chưa mang lại hiệu quả.

Vì vậy, Sở Tài nguyên - Môi trường kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155 theo hướng bổ sung thẩm quyền xử phạt tới cấp Chủ tịch UBND phường, xã nhằm đảm bảo tính kịp thời trong việc xử lý vi phạm.

Đây là một đề xuất hợp lý bởi nhiều năm qua, hoạt động karaoke tự phát đã trở thành vấn nạn, gây phản cảm và bức xúc dư luận nên rất nhiều ý kiến đã đồng tình.

Cách đây chưa lâu (11.2020), một vụ án nghiêm trọng từng xảy ra tại Hà Nội, được nhiều báo đăng tải gây sự chú ý của đông đảo bạn đọc, đó là ông Nguyễn Huy Ngọc (Triều Khúc, Thanh Trì) ném "bom xăng" sang nhà hàng xóm.

Nguyên nhân của vụ việc là do hàng xóm thường hát karaoke gây ồn ào, ông Ngọc nhắc nhở, góp ý nhiều lần không được nên dẫn đến việc ném "bom xăng".

Với diễn biến của vụ việc, ông Ngọc phải chịu sự trừng phạt của luật pháp là điều đương nhiên. Song, để xảy ra vụ việc này, không thể nói không có lỗi của gia đình hàng xóm bởi hành động thiếu tôn trọng người khác của họ.

Một khi đặt mình vào vị trí của ông Ngọc, sẽ thấy sự bức xúc này là có thật. Hãy thử tưởng tượng đi làm cả ngày mệt mỏi, đầu óc ong ong mà nhà bên cạnh cứ đàn ca, sáo nhị inh ỏi liệu có khó chịu hay không? Những người có giọng hát hay còn đỡ, nhiều "gào sĩ" hát ngang phè phè cứ rống lên như bò thì quả là mệt mỏi, ức chế.

Tiếc rằng không chỉ lĩnh vực này mà cách hành xử thiếu tôn trọng người khác ở ta không hiếm. Từ việc thả chó bậy ra đường, ném rác ra ngõ, nấu ăn bằng bếp than tổ ong khói độc bay khét lẹt, khạc nhổ lung tung, thậm chí chăn nuôi gia súc, gia cầm ở khu dân cư… là những "chuyện thường ngày ở phố".

Thế nhưng nếu lên tiếng, sẽ bị phản ứng, thậm chí chửi rủa, hành hung bởi họ tưởng đó là… quyền tự do của họ mà họ không hiểu rằng tự do của người này nhưng không được ảnh hưởng đến tự do của người khác.

Được biết, tại nhiều quốc gia, hành vi này sẽ bị xử phạt rất nặng. Tại Đức, không chỉ chủ nhà bị phạt, những người tham gia cũng bị phạt.

Tại Nhật Bản, ai muốn hát karaoke thì phải ra quán hát. Nếu ca hát ở nhà làm ồn ào, ảnh hưởng đến hàng xóm thì hàng xóm sẽ gọi điện cho cảnh sát tới nhắc nhở và xử lý mà không cần phải đo đạc âm lượng bao nhiêu.

Trở lai với việc đề nghị tăng nặng hình thức xử phạt trong lĩnh vực này, thiết nghĩ đây là điều cần thiết không chỉ ở các địa phương trên mà còn trên phạm vi cả nước.

Xin một lần nữa nhắc lại, tôn trọng quyền tự do của mỗi cá nhân nhưng luôn phải ghi nhớ, không vì quyền tự do của mình mà được phép xâm phạm đến quyền tự do của người khác.