Lại thêm một qui định phi lý và ngang ngược!
(Dân trí) - Có lẽ không phải chỉ bây giờ mà từ ngàn năm nay với Việt Nam, Trung Quốc vẫn thường “nói một đằng làm một nẻo”, “mềm nắn, rắn buông”, “cá lớn nuốt cá bé”… Song cũng từ ngàn năm nay, dân tộc Việt Nam chưa bao giờ khuất phục...
Có lẽ khó có thể dùng từ nào khác để chỉ hành động của chính quyền tỉnh Hải Nam khi họ ngang nhiên đề ra những qui định yêu cầu tàu cá nước ngoài phải "xin phép" chính quyền Trung Quốc, nếu muốn đánh bắt trong "vùng quản lý" mà theo họ là của tỉnh Hải Nam, chiếm khoảng 2/3 Biển Đông. Qui định phi lý đến ngang ngược này được tuyên bố có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2014. Hành động của chính quyền Hải Nam đã gặp phải sự phải đối quyết liệt của Việt Nam và thế giới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thanh Nghị khẳng định: “Những hoạt động nêu trên của phía Trung Quốc là bất hợp pháp và vô giá trị, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), không phù hợp với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc, làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ những việc làm sai trái nói trên, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nói rằng, đòi hỏi nói trên của Trung Quốc là "khiêu khích và nguy hiểm".
Tóm lại, đây có thể nói là một qui định hết sức ngang ngược và phi lý đến mức… hài hước như cách nói hình ảnh của Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an: "Việc làm ấy của Trung Quốc không thể chấp nhận được... Trong nhà anh, anh muốn làm gì thì làm chứ anh không thể cấm tôi bắt cá trong ao nhà tôi được... Vụ Trung Quốc cấm đánh cá vừa rồi cũng giống như một nhà cấm nhà hàng xóm bắt cá trong ao của họ. Trên đời này không ai làm như vậy cả”.
Ngang ngược và phi lý. Thế nhưng họ vẫn làm. Đó là nghịch lý khiến Trung Quốc chẳng giống ai. Mồm họ nói đường lối của họ là trỗi dậy hòa bình, rằng họ không xâm phạm công việc nội bộ của quốc gia nào, không xâm phạm chủ quyền của nước nào nhưng việc họ làm trái ngược hẳn với những điều họ nói.
Nhớ lại thời điểm giữa năm 2011, trong khi họ nhiều lần lớn tiếng với láng giềng và đặc biệt là với Việt Nam về tình hữu nghị thì cũng thời điểm đó, họ phá cáp quang của tàu Viking II (ngày 26/5/2011) và cắt cáp quang của tàu Binh Minh II (ngày 9/6/2011).
Sau đó một năm, ngày 22/6/2012, Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa bao chiếm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và chỉ 01 ngày sau (23/6), Trung Quốc mời thầu 9 lô dầu quốc tế trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam…
Có lẽ không phải chỉ bây giờ mà từ ngàn năm nay với Việt Nam, Trung Quốc vẫn thường “nói một đằng làm một nẻo”, “mềm nắn, rắn buông”, “cá lớn nuốt cá bé”….
Song cũng từ ngàn năm nay, dân tộc Việt Nam chưa bao giờ khuất phục. Họ hãy nhớ rằng Việt Nam – Một dân tộc không bao giờ khuất phục!
Ngay lúc này đây, đã và đang có hàng ngàn, hàng vạn tàu cá của ngư dân Việt Nam vẫn căng buồm lướt sóng ra khơi, đánh bắt cá tôm trên ngư trường truyền thống ở Biển Đông.
Trả lời báo chí, thuyền trưởng tàu DNa-90163 Nguyễn Xuân Cường ( phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) nói: “Anh em chúng tôi vẫn tiếp tục ra Hoàng Sa. Biển của mình mà, không đánh bắt sao được. Họ cấm thì cứ cấm, còn việc của mình mình cứ làm, chẳng sợ”.
Anh Nguyễn Công Hoan (Bảo Ninh, Quảng Bình), thuyền trưởng tàu QB-91667 khẳng khái: “Nếu không tiếp tục đánh bắt thì còn gì là biển của mình nữa. Khi đó tàu Trung Quốc tràn ngập thì nguy. Do vậy anh em chúng tôi sẽ tiếp tục ra khơi dù có gì xảy ra đi nữa”
Những hành động sai trái của Trung Quốc chỉ khiến hình ảnh của họ trở nên thấp hèn và xấu xí.
Bùi Hoàng Tám
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!