Ngư dân miền Trung vẫn “đạp sóng” ra khơi
“Nghe tin Trung Quốc ngang ngược đưa ra những quy định vô lý nên anh em hơi lo.
Nói thật lòng là lo thì lo nhưng không sợ vì Bộ Ngoại giao mình và các nước cũng phản đối rồi. Anh em chúng tôi vẫn tiếp tục ra Hoàng Sa. Biển của mình mà, không đánh bắt sao được. Họ cấm thì cứ cấm, còn việc của mình mình cứ làm, chẳng sợ”. Ngày 11/1, thuyền trưởng tàu DNa-90163 Nguyễn Xuân Cường (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng; cùng 11 thuyền viên lúi cúi làm lễ trước khi ra Hoàng Sa đánh bắt) tâm sự như thế khi PV hỏi phản ứng của anh về quy định “tàu cá nước ngoài sẽ bị xua đuổi, bị tịch thu tài sản, xử phạt hành chính với số tiền rất lớn khi hoạt động trên biển Đông” do Trung Quốc đưa ra mới đây.
Thuyền trưởng Nguyễn Xuân Cường chuẩn bị chuyến ra khơi đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa. Ảnh: Lê Phi
Anh Cường cho biết thêm: “Không chỉ riêng tui mà trong ngày hôm nay (11/1) ở cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) này cũng có trên 100 tàu cá của ngư dân miền Trung đồng loạt ra khơi. Ngày ni đi khoảng 10-15 ngày rồi về. Nếu bạn (các ngư dân trên tàu - PV) ưa đi tiếp thì tàu tui ăn tết trên biển luôn. Mùa ni mực nhiều, vào bờ bán được giá nên mỗi chuyến đi lãi cũng khá lắm”.
Anh Nguyễn Công Hoan (trú Bảo Ninh, Quảng Bình), thuyền trưởng tàu QB-91667, cũng cho hay: “Hắn (Trung Quốc - PV) cứ quy định vô lý rứa thì mình coi như hết biển luôn. Cứ mỗi lần ra biển là gặp tàu hải giám với tàu cá Trung Quốc nhiều lắm. Mình đang đánh bắt, có khi hắn đến quay phim, chụp ảnh lại rồi xua đuổi”. Nhưng cũng như các thuyền trưởng khác, anh Hoan cho biết sẽ cùng các bạn thuyền tiếp tục đánh bắt trên tất cả vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, trong đó có cả Hoàng Sa-Trường Sa. “Biển mang lại cho mình tiền bạc, cơm ăn, con cái học hành như thế thì sao không yêu biển được. Nếu không tiếp tục đánh bắt thì còn gì là biển của mình nữa. Khi đó tàu Trung Quốc tràn ngập thì nguy. Do vậy anh em chúng tôi sẽ tiếp tục ra khơi dù có gì xảy ra đi nữa” - anh Hoan khẳng khái.
Theo Lê Phi
Pháp luật TPHCM