“Kỳ tích” huy chương, băn khoăn “4 ệ” & “Công anh xúc tép…”
(Dân trí) - Liệu các em có đủ sức mạnh để “chen chân” trong một môi trường mà ở đó, trí tuệ xếp cuối cùng sau “hậu duệ”, “quan hệ” và “tiền tệ”? Liêu các em có đủ bản lĩnh để vượt qua những “tấm thảm” mà bên dưới gài “đinh”? Liệu các em có đủ kiên nhẫn để vượt qua sự trì trệ đã trở thành cố hữu?...
4 Huy chương vàng Olympic Vật lí, 4 Huy chương vàng Olympic Toán, 3 Huy chương vàng Olympic Hóa học, đó là “kỳ tích” của các học sinh Việt Nam trên đấu trường quốc tế năm 2017 . Hiện, hai đoàn cuối cùng là Sinh học và Tin học cũng đang lên đường, hi vọng sẽ mang về thành tích xuất sắc.
Có thể nói đó là những tin vui, rất vui không chỉ cho nền toán học hay nền giáo dục nước nhà mà là niềm vui chung của đất nước bởi đây cũng là thành tích cao nhất trong lịch sử 43 năm (1974) kể từ lần đầu tiên, Việt Nam tham dự các cuộc thi này. Cả khi có một kỳ thi, chúng ta là nước chủ nhà (2007).
Nó không chỉ thể hiện sự thông minh, tinh thần ham học mà còn là bản lĩnh của tuổi trẻ Việt Nam. Dù còn có ý kiến cho rằng thành tích của các cuộc thi này thực chất chỉ là trò “luyện gà nòi” đi chăng nữa, thì cũng không thể phủ nhận niềm vinh quang mà các em đã và đang mang về cho đất nước.
Xin chúc mừng các em, chúc mừng các thầy cô và xin được chia vui với gia đình các em.
Song, vui đấy, mừng đấy nhưng cũng lo đấy và buồn đấy.
Không lo sao được khi chúng ta sở hữu những tài sản quí giá này như đang sở hữu những hạt giống tốt. Trong khi, để có được một cái cây tốt, ngoài hạt giống tốt cần ít nhất phải có ba yếu tố nữa. Đó là mảnh đất tốt, thời tiết tốt và người chăm sóc tốt. Chỉ cần thiếu một trong ba yếu tố này, không thể có được một cái cây tốt.
Vậy chúng ta có được mảnh đất tốt chưa? Xin nói thằng là chưa. Giáo dục & Đào tạo của chúng ta không chỉ thấp so với thế giới mà thấp cả với các nước trong khu vực.
Chúng ta có được yếu tố “thời tiết” là môi trường học tập tốt chưa? Xin thưa, cũng là chưa.
Chúng ta có được những người chăm sóc tốt chưa? Câu này xin dành cho các giáo sư, các thày cô trả lời. Song, không khó để nhận thấy những nhà khoa học làm rạng danh cho đất nước hôm nay như Giáo sư Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn, Đàm Thanh Sơn… và cả Nhạc sĩ nổi tiếng thế giới Đặng Thái Sơn đều thành danh nhờ bàn tay nâng đỡ, “nhào nặn” của các giảng đường quốc tế.
Vì thế, không khó để dự đoán rằng con đường đi tiếp theo của các em cũng như mơ ước của các em là những giảng đường lớn không nằm trong nước. Và cũng không khó để dự đoán rằng hoàn toàn có thể các em sẽ lại “đất khách, quê người”, mang tài năng cống hiến cho xứ sở khác như nhiều và rất nhiều các anh, các chị của các em đã làm như thế.
13 học sinh đoạt vòng nguyệt quế Cuộc thi Olympia sau khi có được nguồn kinh phí ra nước ngoài học tập chỉ có duy nhất một em trở về là một minh chứng rất buồn.
Song, hãy đặt vào địa vị các em hay phụ huynh của các em, liệu chúng ta có lời khuyên nào khác?
Không chỉ khó khăn về kinh tế, khó khăn về điều kiện vật chất phục vụ cho khoa học còn có những cái khó hơn nữa, đó là điều kiện và môi trường làm việc.
Liệu các em có đủ sức mạnh để “chen chân” trong một môi trường mà ở đó, trí tuệ xếp cuối cùng sau “hậu duệ”, “quan hệ” và “tiền tệ”?
Liêu các em có đủ bản lĩnh để vượt qua những “tấm thảm” mà bên dưới gài “đinh”?
Liệu các em có đủ kiên nhẫn để vượt qua sự trì trệ đã trở thành cố hữu?...
Bi kịch hơn, không loại trừ các em phải "làm tớ người dại" dù người xưa nói, "làm thầy thằng dại" đã là bi kịch.
Liệu các em có chống đỡ nổi với sự ghen ghét cố hữu của những kẻ bất tài, lười biếng và vô dụng "có cũng được mà không cũng được, sáng cắp ô đoi, tối cắp về"?
Trở lại với chuyện “kỳ tích” vừa qua, trong bài gửi về Dân trí, GS TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, Trưởng Ban tổ chức Olympic Toán học quốc tế IMO – 48 viết:
“Thành tích của Việt Nam tại các Olympic quốc tế cho thấy, mặc dù nền giáo dục nước ta vẫn còn những yếu kém và phải tiếp tục phấn đấu vươn lên, nhưng chúng ta có thể đào tạo trình độ phổ thông đạt đỉnh cao quốc tế (mặc dù có thể chưa đại trà)…”.
Vâng, người viết bài này rất băn khoăn với ý kiến này bởi cho đến hôm nay, dù đất nước đã dốc rất nhiều công sức, tiền của nhưng chúng ta chỉ mới “có thể” đào tạo trình độ phổ thông đạt đỉnh cao quốc tế và “mặc dù có thể chưa đại trà” thì quả là day dứt, thưa Giáo sư.
Và còn một “day dứt” nữa, đành rằng khoa học là không biên giới, là phục vụ nhân loại… nhưng sẽ vui hơn, sẽ mừng hơn, sẽ hạnh phúc hơn nếu như nó được cống hiến cho quê hương mình, cho đồng bào mình, trên đất nước mình.
Và chợt nhớ về câu ca dao cũ “Công anh xúc tép nuôi cò….”!
Bùi Hoàng Tám