"Kỳ tích" Olympic quốc tế 2017: Cần đánh giá một cách công bằng

(Dân trí) - Nên xem huy chương Olympic khoa học quốc tế của những học sinh giỏi như là thành tích xuất sắc chạy cự ly ngắn của các vận động viên. Sự nghiệp vinh quang của cả cuộc đời con người để hướng tới những mục tiêu cao cả và rộng lớn của tài năng, của sự nghiệp vinh quang cả đời người như một cuộc chạy Marathon.

GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước đã gửi tới báo Dân trí bài viết: "Vài suy nghĩ sau "kỳ tích" Olympic quốc tế 2017", Dân trí xin trân trọng giới thiệu tới độc giả bài viết.

*****

Trong những ngày qua, người Việt Nam chúng ta ở trong hay ngoài nước đón nhận những "kỳ tích" Olympic 2017 với tinh thần và suy nghĩ ít nhiều có khác nhau. Nhưng tuyệt đại đa số rất phấn khởi, nức lòng và tự hào một cách chính đáng.

Trong khi vui như vậy vẫn có những người tĩnh tâm suy nghĩ hoặc đặt ra các câu hỏi. Chúng ta nên nghe cả hai tai để tỉnh táo, để thành tích của mình cao hơn, thực chất hơn, bền vững hơn.


Đoàn học sinh Việt Nam dự thi Olympic toán học quốc tế năm 2017

Đoàn học sinh Việt Nam dự thi Olympic toán học quốc tế năm 2017

3 câu hỏi

Xin nhắc lại 3 câu hỏi.

- Hàng năm Việt Nam thường lọt vào top ten trong các cuộc thi Olympic quốc tế về toán và các môn khoa học. Thành tích này có phải chủ yếu là do ta có công nghệ cao về "mài cựa" và "luyện" gà chọi?

Câu trả lời là không. Nếu tôi nhớ không nhầm thì các nhà khoa học của ĐH Harvard vừa công bố một nghiên cứu nói rằng trong các lĩnh vực cần năng khiếu như toán, khoa học, âm nhạc, cờ vua, ..., thì 85% lý do thành công là do tài năng bẩm sinh.

"Mài cựa" và "luyện" kiểu gì cũng chỉ đóng góp nhiều nhất 15%. Đã đi thi thì ai mà chẳng luyện, chỉ có điều cách luyện có thể khác nhau. Ở đây không có đất, không có sự may mắn ngẫu nhiên cho những thí sinh nghiệp dư, ưa an nhàn.

Có những bài viết cung cấp thông tin hay rằng ở Mỹ việc thành lập đội tuyển IMO và luyện khác Việt Nam. Vâng, khác về hình thức, về phương pháp còn nội dung chắc không mấy.

Nhưng nếu có thêm những bài nghiên cứu cho biết xem các nước châu Á, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, ..., họ làm như thế nào. Tôi nghĩ chắc Việt Nam không phải là nước duy nhất ở châu Á lập đội tuyển Olympic và luyện thi như vậy.

Tham gia IMO từ năm 1974, nhưng đến năm 2007 lần đầu tiên nước ta đăng cai tổ chức Olympic Toán học quốc tế IMO - 48. Là Trưởng Ban Tổ chức cho nên tôi có điều kiện trực cả tuần ngay trong khu điều hành của cuộc thi mà thí sinh các nước ăn ở, sinh hoạt tại đó. Đây là dịp để tôi tìm hiểu xem các đoàn khác có "chiến đấu", có luyện thi không.

Và Ban Tổ chức chúng tôi đã trực tiếp chứng kiến có không ít thí sinh, không ít đoàn còn tranh thủ luyện chưởng đến phút cuối cùng, vừa ăn tối vừa bàn bạc, giải toán. Trong khi đó các em đoàn Việt Nam lại đi chơi bóng đá hoặc đi bơi trong ngày cuối cùng trước khi vào thi, vì học cũng đã bão hòa và thấm mệt sau nhiều năm rồi.

- Vì sao trong hơn 40 năm qua nhiều học sinh Việt Nam đã giành được nhiều huy chương Olympic quốc tế về toán và khoa học, thường đứng trong topten của hơn 100 nước tham gia, có một số năm đã đứng thứ ba thế giới, nhưng vẫn còn ít nhà khoa học Việt Nam làm việc và có uy tín cao ở trong nước? Vì sao khoa học cơ bản nước nhà vẫn chưa có được uy tín tương xứng?

Vận động viên đoạt huy HCV chạy cự ly ngắn chưa hẳn đã đoạt HCV chạy Marathon, còn phụ thuộc tài năng dài hơi, tổng hợp của cá nhân và môi trường, cơ chế, điều kiện làm việc. Bằng chứng là có không ít nhà khoa học gốc Việt rất nổi tiếng và thành đạt, đang làm việc ở các nước phát triển.

- Việt Nam có nhiều học sinh đoạt HCV Olympic quốc tế nhưng sao ta vẫn còn nghèo?

Không chỉ Việt Nam phải trả lời câu hỏi này mà còn nhiều nước đang phát triển. Giành được HCV mới chỉ là công dân có triển vọng. Muốn cho đất nước thoát nghèo thì phải có chiến lược quốc gia đúng đắn và dài hơi: Những tài năng trẻ xuất sắc sẽ được tiếp tục đào tạo ngành gì, ở đâu, như thế nào? Rồi sau đó họ ra làm việc và cống hiến cho đất nước trong điều kiện, môi trường, cơ chế, chính sách ra sao?

Niềm vui Olympic 2017 và thắng lợi của Kỳ thi THPT Quốc gia 2017 bằng trắc nghiệm

Chưa có năm nào mà thành tích của các đoàn Việt Nam dự thi Olympic quốc tế lại "đẹp chụm", "chụm đẹp" và làm nức lòng người như năm nay. Cả ba đoàn Toán, Lý và Hóa 2017 đều đạt "kỳ tích" cao nhất kể từ ngày tham gia các kỳ thi Olympic quốc tế đến nay. Hai đoàn cuối cùng là Sinh học và Tin học cũng đang lên đường. Chúng ta cùng nhau chúc cho hai đoàn này cũng sẽ mang về thành tích xuất sắc để làm đẹp cho ngôi sao 5 cánh.

Một điều thú vị từ các Olympic quốc tế gần đây, nhất là năm nay, là những giải cao được "phân bố" đều hơn cho cả các tỉnh, thành phố ngoài Hà Nội và TP HCM. Điều này cho thấy ở đâu cũng có thầy tài, trò giỏi, gien thông minh và giáo dục ngày càng được trung ương và các địa phương quan tâm, phát triển. Công nghệ thông tin và truyền thông góp phần đắc lực tạo ra cơ hội học tập và bình đẳng hóa giữa các vùng miền. Báo chí và dư luận xã hội đã và sẽ còn nói rất nhiều về các "kỳ tích" này.

Tôi cũng không thể viết thêm và hay hơn nữa về 3 đoàn Olympic Toán, Lý, Hóa, nhưng bằng bài viết này chúng tôi muốn nêu lên một vài suy nghĩ để góp phần lưu ý dư luận.

Khi mọi người đang say sưa với thành tích thi Olympic quốc tế thì cũng xin đừng quên kết quả tốt đẹp vừa qua của Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2017 lần đầu tiên dùng phương pháp trắc nghiệm (multiple choice).

Như vậy cái đẹp, cái "chụm" và sự thành công của năm nay của các cuộc thi còn có ý nghĩa rộng lớn hơn: Từ trong nước ra quốc tế, từ cuộc thi "phổ thông" cho số đông đến các cuộc thi tài năng đỉnh cao Olympic quốc tế.

Hãy đánh giá thành tích Olympic một cách công bằng

Chúng ta cần tránh cực đoan khi nhìn nhận và đánh giá thành tích của các đoàn học sinh giỏi Olympic Việt Nam trong hơn 40 năm qua: Học sinh đoạt HCV là "tài năng" hay "không là gì"? Một loại ý kiến cho rằng các HCV có giá trị rất to lớn, nhưng một loại ý kiến ngược lại cho rằng chúng không có giá trị bao nhiêu, vì chỉ là kết quả của công nghệ “luyện gà chọi” của Việt Nam. Cả hai đều cực đoan.

Thành tích xuất sắc tại các Olympic của Việt Nam không phải ngẫu nhiên, cũng không phải chỉ do “luyện gà chọi”, nó có nguyên nhân từ trí tuệ Việt Nam, từ giáo dục đỉnh cao, từ truyền thống hơn nửa thế kỷ qua và sự chuẩn bị công phu, đào tạo, thi tuyển học sinh giỏi toán các cấp trong cả nước, theo đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước ta. Có được bảng thành tích đó là do cả thầy và trò đều phấn đấu rất tự tin, lao động cần cù, sáng tạo và hiệu quả.

Nên xem huy chương Olympic khoa học quốc tế của những học sinh giỏi như là thành tích xuất sắc chạy cự ly ngắn của các vận động viên. Sự nghiệp vinh quang của cả cuộc đời con người để hướng tới những mục tiêu cao cả và rộng lớn của tài năng, của sự nghiệp vinh quang cả đời người như một cuộc chạy Marathon.

Thành tích của Việt Nam tại các Olympic quốc tế cho thấy, mặc dù nền giáo dục nước ta vẫn còn những yếu kém và phải tiếp tục phấn đấu vươn lên, nhưng chúng ta có thể đào tạo trình độ phổ thông đạt đỉnh cao quốc tế (mặc dù có thể chưa đại trà), trong khi GDP bình quân hiện nay (2016) của ta mới chì là 2.200 USD/người/năm. (Xin hãy so sánh với GDP bình quân đầu người của các nước topten Olympic!).

Càng phấn khởi, tự hào bao nhiêu, càng vui mừng với những thành tựu đột phá của nền giáo dục nước nhà bao nhiêu, chúng ta càng cần phải thấy những yếu kém còn tồn tại mà toàn ngành phải cố gắng để thực hiện tốt Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo và để xây dựng cho tốt Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể.

Những nguyên nhân của "kỳ tích" Olympic 2017

Thắng lợi ngọt ngào ngày hôm nay là hệ quả tất yếu của chiến lược đào tạo, bồi dưỡng và sàng lọc học sinh giỏi trong suốt hơn nửa thế kỷ vừa qua, nói riêng là hơn 40 năm tham dự Olympic quốc tế.

Kết quả này có được là nhờ những người lãnh đạo, những bậc thầy có tầm nhìn chiến lược, đủ tầm, tâm và tài, đã cùng cả hệ thống chính trị phấn đấu thông minh và kiên cường, nhờ quyết tâm và chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, của Bộ GD&ĐT, của các bộ, ban, ngành TW, của Chương trình Trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020, Viện NCCCT, của Hội Toán học Việt Nam, của Hội Toán học TP Hà Nội, của các trường đại học, viện NCKH, của các địa phương và của các nhà khoa học Việt nam ở nước ngoài và người nước ngoài.

Vinh quang này trước hết thuộc về các em học sinh đã giành được huy chương Olympic quốc tế và gia đình, thuộc về các thầy cô giáo, các nhà tổ chức, quản lý,..., đã có công dạy dỗ và đào tạo các em. Vinh quang này thuộc về cả dân tộc Việt Nam chúng ta, như Bác Hồ đã nói: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Trong hơn 40 năm qua chúng ta tham dự Olympic quốc tế không chỉ vì đây là một cuộc thi cao nhất, một trò chơi để rèn luyện trí tuệ cho học sinh giỏi phổ thông trên khắp hành tinh mà còn với những mục đích sau: Học hỏi để trưởng thành, cải tiến, đổi mới, hiện đại hóa việc đào tạo, huấn luyện, ra đề thi và chấm thi học sinh giỏi Việt Nam; góp phần quan trọng phát triển khoa học và giáo dục; khuyến khích sự học, chìa khóa của sự phát triển và hưng thịnh quốc gia; để hội nhập quốc tế về khoa học, giáo dục, để góp phần làm tăng uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, không chỉ về ngoại giao, chính trị mà cả kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục.…

*****

Vua Lê Thánh Tông (1442-1497) là một vị vua giỏi trị nước, nhà văn hoá, nhà thơ nổi tiếng đã dạy chúng ta: “Muốn có nhân tài, trước hết phải chọn người có học. Phép chọn người có học thì thi cử là đầu”. Như vậy các bậc thánh hiền từ xưa đã nhấn mạnh: Muốn chọn người thực tài phải chọn người thực học, muốn chọn người thực học phải chọn người thực thi. Học thành tài rồi mới ra gánh vác được việc nước.

GS.TSKH Trần Văn Nhung

Tổng thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước

Mọi ý kiến góp ý về chủ đề trên, độc giả có thể gửi bài viết về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cám ơn!