Kỷ lục về lập doanh nghiệp, nhưng mà… lo lắm!

(Dân trí) - Một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) gửi Thủ tướng gần đây cho biết, tính đến hết năm 2018, cả nước có 1,3 triệu doanh nghiệp đã đăng ký thành lập. Tuy nhiên, chỉ có hơn 715.000 doanh nghiệp hoạt động, chiếm tỷ lệ 55%.

Kỷ lục về lập doanh nghiệp, nhưng mà… lo lắm! - 1

Số còn lại hơn 585.000 doanh nghiệp có thành lập nhưng không hoạt động, tương ứng tỷ lệ 45% số doanh nghiệp đăng ký. Đây là một con số rất lớn, làm dấy lên những lo ngại về tình trạng bùng phát việc lập doanh nghiệp nhưng thực chất để trục lợi chính sách, chạy hóa đơn, hoàn thuế.

Trên Dân Trí ngày 11/3 vừa rồi thông tin: một cá nhân tại Thanh Hoá đã bị Công an khởi tố, bắt tạm giam về hành vi mua bán trái phép hoá đơn giá trị gia tăng, thu lời bất chính.

Theo điều tra xác minh của cơ quan công an, từ khi thành lập, công ty An Phát do đối tượng này thành lập không có hoạt động kinh doanh thực tế, không có kho tàng bến bãi, phương tiện sản xuất, nhân công lao động phục vụ cho việc kinh doanh.

Người chủ vừa là giám đốc, vừa là kế toán đã xuất 193 hóa đơn GTGT cho 33 công ty và 7 cá nhân trong và ngoài tỉnh với tổng giá trị hàng hóa ghi trong hóa đơn gần 26,5 tỷ đồng. 

Tuy vậy đã có những vụ việc tương tự xảy ra trước đó, con số còn lớn gấp nhiều lần cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng thành lập doanh nghiệp “ma” phục vụ cho mục đích mua bán hoá đơn khống.

Tờ CAND cho hay, đầu năm nay, Công an TP Hải Phòng đã khởi tố 4 bị đối tượng núp dưới bóng các công ty “ma” tự dựng lên đến giao dịch trót lọt trên 2.000 hoá đơn với tổng số tiền trên 970 tỷ đồng. Đầu năm 2018, cũng tại Hải Phòng, một đường dây buôn bán trái phép hoá đơn GTGT lên tới hơn 10.000 tỷ đồng cũng đã bị triệt phá.

Một vụ khác xảy ra trên địa bàn Hà Nội và bị phanh phui cuối năm 2017, các đối tượng mua lại 17 công ty xuất khống 3.500 số hoá đơn với tổng doanh số 590 tỷ đồng. Trước đó, năm 2015, Công an TP Hà Nội cũng đã từng phá vụ án thành lập 16 công ty để bán hoá đơn khống cho 2.295 doanh nghiệp với số tiền 5.428 tỷ đồng…

Những con số đáng buồn này khiến chúng ta không khỏi suy ngẫm. Thoạt nhìn vào con số hơn 1,3 triệu doanh nghiệp được thành lập, thấy rằng, các nỗ lực cởi mở thủ tục hành chính đã hỗ trợ đáng kể cho tinh thần khởi nghiệp, tạo nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho người dân. Ấy là điều đáng mừng. Thế nhưng, chỉ hơn nửa trong số đó là thực sự có hoạt động, chưa nói đến việc bao nhiêu phần trăm của số hoạt động đó là kinh doanh có lãi, hay chỉ sống vật vờ, kinh doanh cầm chừng, thua lỗ!

45% còn lại không hoạt động, vì kinh doanh khó khăn quá, hay lập nên chỉ để cho vui, hay tạo bình phong với mục đích kinh doanh phi pháp, như là việc mua bán hoá đơn nói trên? Dù là với lý do gì cũng không phải vì thế mà siết lại thủ tục hành chính, làm khó dễ cho dân, rồi lại quay về thời kỳ trước đây.

Điều cần rút ra, ấy là tình trạng rà soát, quản lý sau khi cấp phép. Đành rằng chúng ta không khuyến khích việc cán bộ thuế và các cơ quan quản lý đến “thăm” doanh nghiệp quá nhiều lần trong năm, nhưng với đối tượng doanh nghiệp thành lập ra không phát sinh hoạt động, rủi ro cao về thuế thì không thể có chuyện cơ quan quản lý tại địa phương và cơ quan thuế không biết.

Thay vì những chuyến kiểm tra không cần thiết đến những doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh, ngành thuế và những đơn vị có thẩm quyền cần có sự phối hợp, dành nhân lực và thời gian để loại bỏ những doanh nghiệp “ma”, tịch thu giấy phép và xử phạt mạnh tay với các đối tượng vi phạm.

Bức tranh doanh nghiệp từ đó mới trở nên chân thực, đáng tự hào!

Bích Diệp