Không phải vì tiền, vì được “miễn phí”, mà chính là… vì dân!

(Dân trí) - Hoạt động thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ của Nhật Bản đang là tâm điểm chú ý của công chúng sau phiên tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm ngày 6/12 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Không phải vì tiền, vì được “miễn phí”, mà chính là… vì dân! - 1

Tại sự kiện này, ông Nguyễn Đức Chung đã khiến công chúng bất ngờ với phát biểu nhấn mạnh nội dung bản thông báo kết luận cuộc làm việc hồi cuối tháng 10 với Trung tâm Xúc tiến thương mại, môi trường Nhật Bản (JEBO) và Công ty JVE

Theo đó, người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội lưu ý phía Tổ chức Xúc tiến thương mại, môi trường Nhật Bản công bố kết quả cho công luận khi chưa được các cơ quan xem xét đánh giá kết quả thử nghiệm.

“Thông báo này được công khai gửi cho các bộ ban ngành, chứ không phải thành phố lại để cho một cái công ty vào đây làm trò đùa cho cả thiên hạ, gây bức xúc xã hội”, trích lời ông Chung.

Mặc dù đánh giá cao về đề xuất thí điểm xử lý một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây của phía Nhật Bản, tuy nhiên, lãnh đạo thành phố cũng tỏ ra không hài lòng, cho rằng trong quá trình thực hiện, JEBO và Công ty JVE đã không tuân thủ yêu cầu của thành phố.

Cụ thể là “việc mời các cơ quan báo chí, sử dụng thông tin truyền thông trong quá trình thử nghiệm để khuếch trương công tác thí điểm khi chưa có kết quả thử nghiệm; không phối hợp với các cơ quan khi xử lý thông tin gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội”.

Đáng chú ý là ông Chung cho biết: “Sau một thời gian họ xin thử nghiệm, đơn vị này vào thử nghiệm nhưng không hề xin phép thành phố mà thông qua Công ty Thoát nước Hà Nội làm ngay tại sông Tô Lịch,...”.

Sự việc diễn biến có phần rắc rối hơn khi ngay sau phát ngôn nói trên của ông Nguyễn Đức Chung thì sáng ngày 7/12, JEBO lập tức phát hành thông cáo tới các cơ quan báo chí “xin lấy danh dự ra đảm bảo và khẳng định 100%” nội dung mà ông Chung cung cấp cho cử tri là “thông tin sai sự thật”.

Tổ chức này dẫn chứng đã được Thủ tướng chỉ đạo thông qua cuộc làm việc ngày 11/4/2019; đến ngày 26/4/2019, họ cũng đã có cuộc họp riêng tại trụ sở UBND thành phố dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Thế Hùng và có sự tham gia đại diện nhiều cơ quan ban ngành chức năng.

JEBO cũng gửi kèm cả văn bản thông báo 142/TB-VP ngày 9/5/2019 của chính UBND TP Hà Nội ban hành, trong đó có gửi cho Chủ tịch UBND TP Hà Nội, và đặt câu hỏi “Thông báo 142/TB-VP đã ban hành có giá trị pháp lý không? Có còn hiệu lực không?”. Tổ chức này tỏ ra băn khoăn vì “nội dung văn bản đã ghi rất rõ ràng là “đồng ý cho chúng tôi thực hiện” thì chúng tôi không hiểu còn phải làm thủ tục xin phép UBND TP nào nữa? Vì chính UBND TP Hà Nội đã ra văn bản cho phép chúng tôi thực hiện rồi”.

Mối băn khoăn của phía JEBO cho thấy, chưa bàn đến đúng/sai trong vấn đề này mà rõ ràng đã tồn tại một khoảng cách lớn, chưa hiểu nhau giữa chính quyền và doanh nghiệp, nhà đầu tư. Doanh nghiệp chưa thấy được rõ yêu cầu mà phía chính quyền đưa ra về thủ tục, và chính quyền cũng chưa hài lòng với cách tiến hành của doanh nghiệp.

Đành rằng trong quá trình hoạt động (dù là ở bất cứ chương trình, đề án nào, không riêng đề án này), giữa các bên khó tránh khỏi hiểu lầm, khúc mắc, nhưng riêng với dự án này, mối bất đồng giữa chính quyền và bên triển khai đề án thực sự khiến tôi cảm thấy tiếc và buồn (xen lẫn khó hiểu).

Đây là một dự án tài trợ miễn phí từ phía đối tác Nhật với một mục đích không thể chính đáng hơn đó là “giúp người dân Hà Nội bớt khổ”. Chính vì vậy, không bất ngờ khi đại diện JEBO bày tỏ sự thất vọng nếu như lòng tốt của họ đang “đặt không đúng chỗ”.

Chúng ta biết rằng, ngay cả với những tổ chức, doanh nghiệp đến đầu tư vì kiếm tìm lợi nhuận thì chính quyền địa phương cũng luôn khẳng định sẽ “đồng hành”, “hỗ trợ” để kêu gọi và thu hút. Nên với những dự án phi lợi nhuận như làm sạch môi trường nước thì thiết nghĩ, chính quyền càng phải tạo điều kiện hơn nữa, những rắc rối về thủ tục hành chính càng phải được “dọn sạch”.

Như Bác Hồ từng nói: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”. Sự trân trọng ở đây không phải chỉ vì tiền, vì vốn, vì được “miễn phí”, mà hơn cả là trân trọng tâm huyết và mục tiêu nhân văn, tốt đẹp vì con người!

Bích Diệp