Không lý gì họ không chiến thắng được “giặc nghèo đói”

(Dân trí) - “Đất nước thống nhất bao năm, nhưng vẫn còn tình trạng hộ gia đình có thành viên là người có công với mức sống thấp hơn mức trung bình nơi cư trú”.

Không lý gì họ không chiến thắng được “giặc nghèo đói” - 1

Đây là một trong những điều day dứt, trăn trở mà Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nêu tại Hội nghị sơ kết ngành vừa diễn ra.

Mặc dù theo Bộ trưởng, hơn 99,5% hộ gia đình có thành viên là người có công có cuộc sống bằng hoặc cao hơn người dân nơi cư trú nhưng cả nước vẫn còn khoảng 8.000 hộ thuộc diện nghèo có thành viên là người có công.

Như vậy, xét về tỉ lệ thì số lượng hộ gia đình có thành viên là người có công cuộc sống còn khó khăn là không còn nhiều, tuy vậy, con số 8.000 hộ thuộc diện nghèo vẫn rất đáng để chúng ta suy ngẫm.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng “nghèo” của những gia đình người có công: Có thể là do điều kiện khách quan của khu vực sinh sống, gặp hạn chế về kế sinh nhai. Cũng có thể là do điều kiện sức khoẻ không được đảm bảo nên không đáp ứng được yêu cầu lao động.

Dù là vì lý do gì đi chăng nữa, tình trạng gia đình người có công rơi vào diện “hộ nghèo” cũng đều rất xót xa.

Người có công là những người đã tham gia, đã có đóng góp, giúp đỡ cách mạng trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc… Nói cách khác, chúng ta có được cuộc sống bình yên của hôm nay, một phần không nhỏ là nhờ công sức của họ.

Do đó, việc đảm bảo cuộc sống cho những người có công chính là đạo lý, là tinh thần “đền ơn, đáp nghĩa”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của thế hệ hôm nay với những người đi trước.

Thực tế, trong hàng chục năm qua, Đảng và Nhà nước đã không ngừng hỗ trợ, có những chính sách thiết thực với gia đình của những người có công, giúp họ thoát nghèo và vươn lên trong cuộc sống.

Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, sẽ vẫn có những yếu tố khách quan và chủ quan khiến một bộ phận gia đình người có công rơi vào diện nghèo.

Từng đích thân tham gia viết bài Nhân ái kêu gọi hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, tôi thấy rằng, trong số những trường hợp này, người có công dù được nhận hỗ trợ của Nhà nước nhưng vẫn khó bù đắp được thiệt hại do mất sức lao động nếu không có những biện pháp căn cơ hơn nữa.

Một số người ngậm ngùi nói với tôi, rằng họ cảm thấy bế tắc khi trở thành “gánh nặng” cho gia đình và xã hội. Nếu không may bị chất độc màu da cam, hệ luỵ còn kéo dài nhiều thế hệ về sau.

Và cũng có một bộ phận nhỏ, vì lý do nào đó, họ không có động lực thoát nghèo… Thử tưởng tượng, cuộc sống của một hộ gia đình 4-5 miệng ăn trông chờ vào tiền hỗ trợ, nói gì thì nói, không thể nào đủ!

Cá nhân tôi cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ, cần nghiên cứu các giải pháp tạo công ăn việc làm phù hợp hoặc tăng cường hoạt động bảo trợ xã hội, chăm sóc người có công neo đơn, bệnh tật…

Tại hội nghị vừa qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã chỉ đạo: “Phải phân công cán bộ, đảng viên đỡ đầu hộ nghèo, dùng các chính sách vận động, thuyết phục. Trường hợp không thể thoát nghèo do những lý do bất khả kháng như người khuyết tật, địa phương sử dụng đồng bộ các chính sách khác để hỗ trợ giải quyết dứt điểm trong năm 2020”.

Tôi tin rằng, về cơ bản, với sự đồng lòng của các cấp chính quyền trung ương, địa phương, điều kiện sống của những gia đình người có công sẽ được nâng lên.

Họ đã không quản hiểm nguy, vất vả để cùng cách mạng chiến thắng giặc ngoại xâm, không có lý do gì, nay khi đất nước hoà bình, gia đình họ lại không thắng được giặc nghèo, giặc đói!!

Bích Diệp