Không “há miệng chờ sung” mà “ngậm miệng chờ… chỉ đạo”!
(Dân trí) - Những việc “nhỏ như cái móng tay”, thuộc chức năng, quyền hạn của lãnh đạo mà cụ thể là người đứng đầu các địa phương, tại sao họ không chịu làm? Ăn lương của dân, nhận việc của dân mà không làm thì họ làm gì?
Chủ tịch nước, Thủ tướng, Phó thủ tướng chỉ đạo. Trưởng ban, Bộ trưởng đề nghị, yêu cầu… Đó là những nội dung tràn lan trên các mặt báo. Điều này thể hiện sự sâu sát của một Chính phủ hành động, quan tâm đến lợi ích nhỏ nhất của người dân.
Tuy nhiên ngược lại, tại sao phải để các vị lãnh đạo cao cấp phải “yêu cầu”, “chỉ đạo” nhiều đến như thế? Có trường hợp phải yêu cầu, chỉ đạo nhưng vẫn không làm như vụ 146 Quán Thánh chẳng hạn. Thậm chí, không ít vụ việc phải chỉ đạo nhiều lần.
Vậy xin hỏi các cơ quan chức năng làm gì? Lãnh đạo các địa phương làm gì? Và nếu không có sự “chỉ đạo”, “yêu cầu” của lãnh đạo cao cấp, nhiều vụ việc liệu có “chìm xuồng”, người dân sống trong oan ức?
Xin ví dụ từ hai vụ việc đau lòng gần đây nhất.
Một là nghi án dâm ô ở Vũng Tàu. Tháng 6.2016 bà T.T.T.T (42 tuổi, ngụ ở chung cư Lakeside, P.Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết ông N.K.T (77 tuổi, ngụ cùng chung cư) có hành vi dâm ô với con gái bà T. bằng cách dùng tay sờ vào vùng kín của cháu. Bà T. có đơn gửi đến Công an P.Nguyễn An Ninh tố cáo ông T. Công an P.Nguyễn An Ninh đã chuyển hồ sơ lên Công an TP.Vũng Tàu để điều tra.
Sau đơn tố cáo của bà T., một số gia đình cũng có đơn tố cáo ông này với hành vi trên.
Ngày 19.8.2016, Cơ quan CSĐT Công an TP.Vũng Tàu khởi tố vụ án dâm ô trẻ em nhưng vẫn chưa khởi tố bị can. Điều đáng nói là đã hơn 6 tháng kể từ khi có quyết định khởi tố vụ án, đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vừa qua, đích thân Chủ tịch nước Trần Đại Quang phải yêu cầu lãnh đạo Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan tư pháp, điều tra sớm làm rõ.
Vụ việc thứ hai, là nghi án hiếp dâm ở Quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng tương tự.
Theo phản ánh của chị Nguyễn Thị L., sự việc xảy ra tối 8/1/2017. Sau khi bị gã hàng xóm xâm hại, cháu N. đã kể lại vụ việc với chị họ tên H.. Cháu H. sau đó đã kể lại toàn bộ câu chuyện cho người lớn biết.
Bức xúc về sự việc, sáng 10/1/2017, chị L. đã đưa con gái đến Công an phường Thịnh Liệt để tố cáo hành vi của C. M. H.. Tiếp nhận vụ việc, chiều 11/1, đại diện công an phường đã cùng với gia đình đưa bé N. đi giám định. Bác sỹ bước đầu xác định, cháu N. bị tổn thương bộ phận sinh dục, rách màng trinh, xây xát và phù nề xung quanh.
Tối 11/1, công an phường Thịnh Liệt đã triệu tập H. để làm rõ những nội dung mà gia đình chị L. tố cáo. Vụ việc được chuyển cho Công an quận Hoàng Mai. C.M. H. bị triệu tập để lấy lời khai và được thả sau đó.
Tuy nhiên, phải chờ đến ngày 13/3, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình và Giám đốc Công an Hà Nội Đoàn Duy Khương yêu cầu kiểm tra, xác minh làm rõ, vụ án mới được khởi tố.
Có hai câu hỏi đặt ra. Thứ nhất, đây là những vụ án không phức tạp, tại sao lại “dầm giề” như vậy? Dư luận không phải không có lý khi phán đoán hai khả năng, hoặc là tắc trách, trì trệ và hai là cố tình bao che, hòng “để lâu…. hóa bùn”?
Vụ việc nhanh chóng làm rõ sẽ có lợi cho ông N.K.T và C.M. H. nếu họ vô tội và ngược lại, cần phải sớm trừng trị những kẻ có hành vi đồi bại này.
Câu hỏi thứ hai, nếu như không có sự chỉ đạo của Chủ tịch nước và Phó Thủ tướng, các vụ án trên sẽ bị “ngâm” đến bao giờ và thậm chí, liệu có bị khởi tố như vừa qua hay không?
Song, còn có một câu hỏi quan trọng hơn, đó là xuất hiện tình trạng “chờ chỉ đạo” từ cấp trên mà thực chất đằng sau nó là bao che hoặc trốn tránh trách nhiệm. Những vụ việc nhỏ như Quán café Xin chào, Điện thoại “cùi bắp”… mà mới nhất là hai vụ việc nói trên cũng phải chờ Chủ tịch nước và Phó Thủ tướng yêu cầu, chỉ đạo mới làm.
Những việc này thực chất là “nhỏ như cái móng tay”, thuộc chức năng, quyền hạn của lãnh đạo mà cụ thể là người đứng đầu các địa phương, tại sao họ không chịu làm? Ăn lương của dân, nhận việc của dân mà không làm thì họ làm gì?
Ngày xưa, ông Đại Lãn còn biết “Há miệng chờ sung” còn giờ đây, có một số cán bộ “ngậm miệng chờ… chỉ đạo”!
Cho nên, có lẽ cần phải có cơ chế, mỗi khi để cấp trên phải “yêu cầu”, “chỉ đạo” là kèm theo đó một quyết định kỉ luật, nhẹ thì phê bình, cảnh cáo, nặng thì cho thôi việc và thậm chí là tội nếu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám