Không để xảy ra "vắc xin ông ngoại"!

Hoàng Lam

(Dân trí) - Bên cạnh nỗ lực cho mục tiêu bao phủ vắc xin phòng Covid-19 tới 70% dân số, Chính phủ yêu cầu đảm bảo minh bạch, bình đẳng trong việc tiếp cận vắc xin của người dân.

Không để xảy ra vắc xin ông ngoại! - 1

Cùng với nỗ lực khoanh vùng, truy vết, điều trị tiến tới khống chế và dập dịch thì tiêm vắc xin phòng Covid-19 là biện pháp tối ưu để ngăn chặn sự tàn phá của đại dịch Covid-19 trong thời điểm này.

Chính phủ, các bộ ngành đã triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo đủ nguồn vắc xin cho mục tiêu 70% người dân cả nước được tiêm vắc xin phòng Covid-19, tạo miễn dịch cộng đồng, từ đó đẩy lùi đại dịch.

"Trong điều kiện khan hiếm vắc xin trên toàn cầu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, đặc biệt là Thủ tướng và các bộ, ngành đã vận động các quốc gia, tổ chức quốc tế bằng nhiều hình thức để tiếp cận, mua vắc xin cho người dân" - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh báo cáo trước Quốc hội ngày 22/7.

"Bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết" trở thành mục tiêu hàng đầu của Chính phủ trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng và "phủ" kín 61/63 tỉnh thành trong cả nước.

"Nếu không đạt được kế hoạch tiêm chủng vắc xin thì kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sẽ có độ trễ, đời sống của nhân dân tiếp tục khó khăn, nhất là các đối tượng yếu thế, người mất việc làm, thiếu việc làm do phải thực hiện các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19"- ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận định.    

Chiến lược vắc xin và phương châm "4 tại chỗ" là điều kiện tiên quyết để đảm bảo hiệu quả phòng dịch từ trạng thái từ "phòng ngự" sang "tấn công". Các đối tượng, khu vực ưu tiên nguồn vắc xin đã được quy định rõ nhằm đảm bảo hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19 cao nhất.

Bởi vậy, việc một "hoa khôi" lên mạng xã hội khoe khoang không cần đăng ký, không thuộc thứ tự ưu tiên nhưng được tiêm vắc xin do "ông ngoại" giúp đỡ đã khiến dư luận bức xúc, hoài nghi về tính minh bạch và công bằng đối với việc tiếp cận vắc xin trong bối cảnh vắc xin khan hiếm.

Ngay lập tức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Y tế và các cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra, làm rõ vụ việc được tiêm vắc xin nhờ "ông ngoại".

Thủ tướng yêu cầu phải xử lý theo quy định nếu thông tin trên là chính xác. Bên cạnh đó, phải chấn chỉnh, rút kinh nghiệm ngay, dứt khoát không để tái diễn.

Tối 21/7, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế yêu cầu tất cả cơ sở tiêm chủng vắc xin trong cả nước rà soát danh sách đối tượng tiêm theo đúng Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 3355/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

Tại diễn đàn Quốc hội sáng 22/7, Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm minh bạch, bình đẳng trong việc tiếp cận vắc xin của người dân; quản lý chặt chẽ và công khai các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống Covid-19, nhất là nguồn tài trợ, quyên góp ủng hộ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Phân bổ vắc xin theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt, hiệu quả đã được Chính phủ quán triệt ngay từ khi triển khai chiến lược tiêm chủng vắc xin chống Covid-19.

Bởi vậy, mọi hành vi đi ngược với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, ảnh hưởng đến lòng tin người dân về sự minh bạch, công bằng của chiến dịch này cần phải xử lý nghiêm khắc.