Không để ưu ái người này, thiếu công bằng với người khác
(Dân trí) - Dù cách này hay cách khác, cần phải xem xét, điều chỉnh thế nào cho thấu đáo, “vẹn lý, vẹn tình”, không để ảnh hưởng đến chế độ, chính sách nhân văn, song cũng không tạo sự bất bình đẳng và quan trọng, là ảnh hưởng đến tuyển dụng cũng như sự phát triển của đất nước sau này.
Việc tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng đã qua gần một tháng nhưng bài toán cộng điểm ưu tiên chưa bớt nóng. Nó vẫn đặt ra nhiều những câu hỏi cần được trả lời thỏa đáng nhằm hài hòa giữa các mối quan hệ mà cụ thể ở đây là chính sách ưu tiên và sự phát triển sau này của đất nước.
Có lẽ cũng cần nhắc lại, chính sách cộng điểm ưu tiên là một chủ trương rất nhân văn, nhằm một mặt đem lại sự công bằng giữa các vùng miền kinh tế, văn hóa khác nhau đồng thời thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam đối với những gia đình có công, gia đình thương binh, liệt sĩ…
Song, vấn đề là làm thế nào để hài hòa giữa chính sách ưu tiên với việc tuyển sinh và sâu xa hơn, là tuyển dụng nhân tài không phải dễ. Nếu ưu tiên quá lớn, cao nhất lên đến 3,5 điểm như hiện nay sẽ là sự bất công với các tài năng trẻ.
Cụ thể, theo kết quả thông báo điểm chuẩn, một số ngành lấy tới 30,5 điểm. Điều đó, có nghĩa là một học sinh không được ưu tiên sẽ chắc chắn 100% trượt vì dù giỏi mấy cũng chỉ đạt tối đa 10 điểm/môn, bằng 30 điểm. Trong khi đó, một thí sinh thuộc diện ưu tiên chỉ cần 27 điểm (9 điểm/môn) nhưng nếu cộng 3,5 điểm, sẽ đỗ. Trong khi đó, để có 0,5 điểm trong kỳ thi tuyển sinh đầy khắc nghiệt này là không hề dễ.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho biết trong kỳ tuyển sinh năm 2017, Trường ĐH Y Hà Nội tuyển được 500 em ngành y đa khoa. Trong đó, ngoài 27 em được tuyển thẳng thì chỉ có 21 thí sinh không được cộng điểm ưu tiên, số còn lại đều có điểm ưu tiên, tức là chưa đầy 10% số thực đỗ mà không cần có các điều kiện khác.
Tại Trường ĐH Y dược TP.HCM, tỉ lệ thí sinh đỗ vào trường cũng tương tự, chỉ khoảng 10%, còn lại 90% đều trúng tuyển với điểm ưu tiên, thậm chí có năm là 92%.
Điều này tạo sự thiếu bình đẳng với các em và điều quan trọng nữa, là ảnh hưởng tới qui trình tuyển dụng nhân tài.
Bài toán ở đây là nếu như không áp dụng cơ chế ưu tiên, sẽ bất công với các em vùng sâu, vùng xa và không thể hiện được chính sách đối với gia đình có công nhưng nếu như hiện nay, không chỉ thiếu bình đẳng với các tài năng trẻ mà còn ảnh hưởng đến chủ trương tuyển dụng nhân tài cho đất nước.
Vì thế, điều cần làm ở đây là xử lý hài hòa các mối quan hệ. Vậy bài toán nào cho việc này?
Theo người viết bài này, có lẽ nên xem xét ở ba khía cạnh. Thứ nhất, xem lại mức cộng điểm hiện nay, có thể hạ xuống khoảng 2 điểm chẳng hạn? Thứ hai, thu hẹp đối tượng ưu tiên và thứ ba, có lẽ nên khống chế % (khoảng 30% chẳng hạn) số lượng tuyển sinh ưu tiên tại một số trường.
Tóm lại, dù cách này hay cách khác, cần phải xem xét, điều chỉnh thế nào cho thấu đáo, “vẹn lý, vẹn tình”, không để ảnh hưởng đến chế độ, chính sách nhân văn, song cũng không tạo sự bất bình đẳng và quan trọng, là ảnh hưởng đến tuyển dụng cũng như sự phát triển của đất nước sau này.
Người tài thời nào cũng hiếm nên việc phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng người tài là vô cùng quan trọng.
Bùi Hoàng Tám