Khó khăn phải cùng tháo gỡ chứ đừng "đánh đố" doanh nghiệp

Bích Diệp

(Dân trí) - Sự khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, nông sản là vấn đề "nóng" được phản ánh tại cuộc họp trực tuyến chiều ngày 25/8 do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì.

Khó khăn phải cùng tháo gỡ chứ đừng đánh đố doanh nghiệp - 1

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ yêu cầu, những ngày tới đây, tất cả các địa phương phải quán triệt, thống nhất tất cả hàng hóa đều là hàng hóa thiết yếu, kể cả hàng thực phẩm hay hàng phục vụ chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu, không phân biệt đối xử với bất kể mặt hàng nào.

Ông Thể cũng đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát lại các văn bản địa phương đã ban hành. "Văn bản nào trái với chỉ đạo của Chính phủ hoặc không trái nhưng làm phát sinh thêm chi phí, thời gian, "giấy phép con" thì phải dừng áp dụng. Tuyệt đối không cản trở vận chuyển hàng hóa".

Còn nhớ trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh về yêu cầu xây dựng các giải pháp để hàng hóa sản xuất ra phải được lưu thông, vận chuyển trong nước và quốc tế.

"Tinh thần chung là các chính sách Chính phủ đưa ra phải thực hiện nhất quán, nếu có vướng mắc trong thực tế thì các địa phương đề xuất điều chỉnh chứ không tự ý thực hiện, ban hành các giấy phép con" - người đứng đầu Chính phủ lưu ý.

Có thể nói "giấy phép con" cho đến nay vẫn là nỗi ám ảnh khôn nguôi của cộng đồng doanh nghiệp. Nếu trong điều kiện bình thường, không ít yêu cầu trái khoáy từ cơ quan quản lý đã khiến doanh nghiệp phải "than trời" thì ở bối cảnh dịch giã, việc phát sinh "giấy phép con" khiến con đường tồn tại, sống sót của doanh nghiệp trở nên hẹp lại.

Ít ngày tới, Tổng cục Thống kê sẽ công bố số liệu về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong tháng 8. Tuy nhiên, dễ hình dung rằng, những con số về các doanh nghiệp phải đóng cửa, rút khỏi thị trường sẽ không hề nhỏ. Khó khăn chồng chất khó khăn, từ nguồn nguyên liệu đến thị trường tiêu thụ, từ bối cảnh sản xuất cho đến môi trường kinh doanh.

Vận tải, lưu thông hàng hóa là huyết mạch sống còn của doanh nghiệp cũng như của nền kinh tế. Nếu hàng hóa không lưu thông suôn sẻ, đương nhiên, chi phí của doanh nghiệp sẽ bị đội lên, chưa kể rủi ro chậm giao hàng hay hàng hư hỏng.

Siết yêu cầu giãn cách để chống dịch là cần thiết. Cái khó của địa phương, hẳn rằng doanh nghiệp nào cũng đều cảm thông, bởi bảo vệ sức khỏe người dân cũng chính là bảo vệ doanh nghiệp. Song thiết nghĩ, khó khăn phải cùng tháo gỡ, chứ không nên cứng nhắc theo hướng "đánh đố" doanh nghiệp.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, nhiều chính sách đã được đưa ra và cũng đã có những đề xuất quy mô hàng nghìn tỷ đồng, nào khoanh nợ, giãn thuế, cấp thêm hạn mức tín dụng…

Nhưng một sự hỗ trợ rất lớn mà các cơ quan bộ ngành, chính quyền địa phương có thể làm ngay, chính là "gói hỗ trợ về thể chế". Nói cho cùng, doanh nghiệp phải sống sót, phải tồn tại thì mới có điều kiện trả nợ, đóng góp ngân sách và thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Trong phiên họp ngày 25/8, ông Nguyễn Văn Thể đã rất gay gắt với một số địa phương vì gây ách tắc trong lưu thông hàng hóa, nông sản. Trước đó, ông cũng đã ký văn bản phê bình nghiêm khắc một Giám đốc Sở GTVT vì không tham mưu cho lãnh đạo địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về lưu thông hàng hóa.

"Thay mặt ngành giao thông và các địa phương, chúng tôi xin nhận trách nhiệm với các doanh nghiệp về tình trạng ùn tắc giao thông ở một số nơi thời gian qua" - ông Thể cho biết và khẳng định, Bộ GTVT đã cấp mã QR Code cho các xe vận tải hàng hóa, lái xe và phụ xe có xét nghiệm âm tính có giá trị 72 giờ, chỉ kiểm tra ở điểm đầu và điểm cuối, nếu địa phương nào không thực hiện là làm trái.

Tôi cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp sẽ đánh giá cao thái độ của ông Bộ trưởng. Song, trong thực hiện mục tiêu "kép", dứt khoát phải có sự thống nhất hơn nữa, xuyên suốt từ trên xuống dưới, từ các bộ ngành đến các địa phương, chứ không thể mỗi nơi làm một kiểu!