Khi trái tim bị… lạnh và cái đầu bị… nóng!
(Dân trí) - Nhà văn Nam Cao từng có một truyện ngắn rất nổi tiếng, được đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông, đó là truyện ngắn Đôi mắt. Câu chuyện như một tuyên ngôn về nhận thức, một đề xuất, tranh luận về thế giới quan và nhân sinh quan của con người trước hiện thực.
Tác phẩm của ông miêu tả sự khác nhau, thậm chí trái ngược nhau trong cách nhìn sự việc, hiện tượng và chỉ ra nguy cơ sự lệch lạc trong nhận thức của con người.
Hiện nay, trong kỷ nguyên của thông tin, khi mọi tin tức tràn ngập trên các phương tiện truyền thông đại chúng và các trang mạng, mỗi cá nhân chỉ cần có một tài khoản trên mạng xã hội là có thể trở thành một người đưa tin đến cho cả thế giới, việc tiếp nhận thông tin và nhìn nhận sự việc vì thế đã trở nên vô cùng phức tạp.
Còn nhớ, cư dân mạng đã từng chia sẻ thông tin được công bố trên website chính thức của một viện nghiên cứu. Theo đó, chỉ trong 10 ngày, cơ sở này tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cho hơn 50 học viên các ngành học.
Với con số này, một số người nhẩm tính: Trung bình một tháng được gần 20 tiến sĩ, chính xác hơn là 1,76 ngày một tiến sĩ. Nếu tính ngày làm việc, chỉ 1 ngày một tiếng, 15 phút, cơ sở này cho “ra lò” một tiến sĩ. Và thế là thông tin hơn cả giật gân “15 phút cho ra lò một tiến sĩ” đã được cư dân mạng lan truyền và bình luận, nâng tầm lên thành một thứ thảm họa quái gở trong giáo dục đào tạo. Trong khi thực tế viện này có tới 20 khoa, đào tạo 36 ngành tiến sĩ. Chỉ tiêu hàng năm của Viện là 350, chia đều cho 36 ngành, mỗi ngành có chưa đầy 10 chỉ tiêu. Và đây là đợt bảo vệ của 44 mã ngành, sau 3 năm làm luận án, các nghiên cứu sinh đến hạn bảo vệ.
Có thể kể đến bất tận những câu chuyện diễn ra hàng ngày trên các trang mạng khi công nghệ ghép ảnh đạt đến mức tinh vi. Mới nhất là chuyện về bức ảnh chụp một túp lều rách nát được ghép với một khẩu hiệu chính trị; chuyện bức ảnh một đám đông thanh niên đang vui chơi trong một bể bơi được ghép với ảnh một cô gái đang ôm đầu đứng sợ hãi tạo ra cảnh đám đông đàn ông lưng trần đang uy hiếp một cô gái; hay chuyện một sinh viên giỏi của một trường đại học nọ do có ngoại hình giống với một cô gái làm nghề “Tú bà” ở một địa phương, đã bị một kẻ ác ý cố tình đánh tráo đưa lên facebook, làm cho khốn đốn…
Trước bối cảnh thông tin tràn ngập như thế, nếu cái đầu trên vai bạn bị nóng và trái tim trong ngực bạn bị lạnh, bạn có nguy cơ bị người khác tác động, thao túng, dẫn dắt dẫn đến nhầm lẫn, sai lệch, trong nhận thức và hành vi.
Chưa bao giờ cần đến thế, một cái đầu lạnh và một trái tim nóng. Trái tim nóng giúp ta đủ thiện chí, đủ lòng tin vào những điều tốt đẹp, thiện tâm và không vô cảm trước cuộc đời này. Và cái đầu lạnh giúp ta đủ tỉnh táo để nhận biết, phân biệt được sự thật và sự ngụy tạo, phân biệt được Chân - Giả, Đúng – Sai, vượt qua được những hạn chế của tâm lý đám đông, chủ nghĩa kinh nghiệm… không để bị người khác lợi dụng, nhấn chìm mình vào những nhận thức sai lệch.
Cát Thụy