Khi tốc độ mở cửa đến các nước phát triển cũng “sợ hãi”!

(Dân trí) - Xin trích lại ý kiến của chuyên gia Võ Trí Thành: Hội nhập có hai mặt, cơ hội đan xen thách thức. Nếu chúng ta không nắm bắt được cơ hội, thì sẽ chỉ nhận được những thách thức mà thôi!

Khi tốc độ mở cửa đến các nước phát triển cũng “sợ hãi”! - 1

Ngày 12/12/2017, hệ thống hải quan ghi nhận kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD, một con số ấn tượng cho thấy tốc độ mở cửa “chóng mặt” của Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - người từng có thời gian làm Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: “Bước vào đầu thế kỉ XXI, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam mới đạt 30 tỷ USD thôi. Thời điểm gia nhập WTO, con số này tăng lên 3 lần, đạt 100 tỷ USD. Nhưng 4 năm sau khi gia nhập WTO, vào năm 2011 kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 200 tỷ USD, năm 2015 đạt được 300 tỷ USD”.

Theo đánh giá của lãnh đạo Chính phủ, từ 200 tỷ USD lên 300 tỷ USD chúng ta mất 4 năm, nhưng từ 300 tỷ USD lên 400 tỷ USD chúng ta chỉ mất nửa khoảng thời gian đó, tức là 2 năm. Đây có thể coi là “kỳ tích”. Nhờ đó, vị thế Việt Nam trên bản đồ thế giới trong giao thương quốc tế đã và đang có sự cải tiến rõ rệt.

Đến thời điểm này, Việt Nam đã ký kết, tham gia 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 4 FTA mới, trong đó có 18 đối tác thuộc các nền kinh tế APEC. Việt Nam đã cho thấy sự năng động của mình thông qua việc tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và ủng hộ mạnh mẽ tự do thương mại toàn cầu.

Nói như TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), độ mở và cam kết mở cửa ở các sân chơi tự do hóa thương mại của Việt Nam, đến ngay cả các nước phát triển như Nhật Bản, Trung Quốc cũng “sợ hãi”. Mà quan điểm mở cửa của Việt Nam là “đã không chơi thì thôi, đã chơi phải chơi với nước lớn nhất, tiến bộ nhất để học hỏi”.

Bây giờ, kể cả khi ở nông thôn, ta cũng có thể mua được hàng hóa từ khắp mọi nơi trên thế giới, có thể mặc đồ Ý, dùng điện thoại Mỹ, đi ô tô Nhật, uống sữa Úc... Và ngược lại, người nông dân Việt cũng không khó khăn để bán sản phẩm của mình đi các nước. Đó là điều mà hàng chục năm trước, chẳng mấy ai dám nghĩ đến.

Tất nhiên, không thành tựu nào tự dưng mà đến. Sự mở cửa phải trải qua những cuộc đấu tranh về tư tưởng, những cuộc đấu trí trên bàn đàm phán, những nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân... Và cũng chẳng thể có những con số ấn tượng ngày hôm nay nếu suốt những năm qua, chúng ta không thẳng thắn nhìn vào những tồn tại, yếu kém trong thể chế kinh tế, trong công tác điều hành để có những bước khắc phục nhất định.

Tháng 11 vừa qua, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, 28% thời gian thông quan hiện nay thuộc trách nhiệm của ngành hải quan, còn lại 72% là trách nhiệm của các bộ ngành liên quan đến các quy định về kiểm tra chuyên ngành. “Đây là mấu chốt rất quan trọng mà chúng ta phải tháo gỡ, nếu không sẽ không có động lực thúc đẩy giao lưu thương mại hàng hóa qua cửa khẩu.”

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cũng chỉ ra rằng, hiện nay có hơn 300 văn bản kiểm tra chuyên ngành. Chính điều này đã gây ra tình trạng “8 không” của các quy định pháp luật Việt Nam. Đó là không cụ thể, không rõ ràng, không nhất quán, không minh bạch, không hợp lý, không tiên lượng được, không hiệu quả và không hiệu lực.

Do vậy, dù 10 năm qua, xuất khẩu của chúng ta đã tăng 24 bậc lên vị trí thứ 26 và xuất khẩu tăng 16 bậc lên vị trí thứ 25 thì trên thực tế, dư địa cải cách của chúng ta vẫn còn nhiều, chưa thể hài lòng với hiện tại.

Chưa kể, áp lực từ hội nhập đòi hỏi nhiều hơn những chính sách phòng vệ để người tiêu dùng trong nước được tiếp cận những hàng hóa chất lượng, an toàn và cũng để bảo vệ nền sản xuất phát triển lành mạnh, chứ không phải là tạo ra một “bãi rác” xuất khẩu tùy tiện cho các đối tác.

Xin trích lại ý kiến của chuyên gia Võ Trí Thành: Hội nhập có hai mặt, cơ hội đan xen thách thức. Nếu chúng ta không nắm bắt được cơ hội, thì sẽ chỉ nhận được những thách thức mà thôi!

Bích Diệp