Khi Thủ tướng dùng "máy bay thương mại"

(Dân trí) - Ngày 28/10, đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước nước ta do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã đến Thủ đô Bangkok (Thái Lan), viếng Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej. Đây là chuyến đi ngoại giao quan trọng, nhưng đáng chú ý, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lựa chọn đi bằng máy bay thương mại. Theo quy định hiện nay thì Thủ tướng hoàn toàn có quyền yêu cầu phục vụ bằng chuyên cơ cho chuyến đi.


(Thủ tướng viếng Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej).

(Thủ tướng viếng Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej).

Tuy nhiên, có thể thấy, đây là chuyến đi dự tang lễ nên việc lựa chọn đi bằng máy bay thương mại là rất hợp lý. Không phải là trước đây ở ta, không có lãnh đạo cấp cao nào lựa chọn đi công cán nước ngoài bằng việc đi chung với các hành khách khác. Nhưng việc đi bằng máy bay thương mại của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn rất được đông đảo người dân chú ý, trân trọng ghi nhận. Bởi với việc này, nó thể hiện bước đầu chủ trương nhất quán của ông trong việc gương mẫu trong chi tiêu ngân sách nhà nước.

Đầu tháng 8 vừa rồi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho biết ông không đồng ý mua xe mới (dù đúng tiêu chuẩn). Tiếp đó, ông cũng đã có yêu cầu, đi tháp tùng mình trong các chuyến công tác ở địa phương, các địa phương không được dùng quá 3 xe.

Tất nhiên, ai cũng hiểu là việc này để nhằm chấn chỉnh tình trạng sử dụng xe công quá nhiều. Vì thông thường, có nhiều chuyến lãnh đạo Đảng, Nhà nước xuống địa phương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố thường bố trí, đưa đón rất nhiều xe, gây nên tình trạng lãng phí không cần thiết. Cho nên, với việc lựa chọn máy bay thương mại đi nước ngoài lần này, đoàn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thể hiện thực hiện một chủ trương tiết kiệm chi tiêu ngân sách đó, một cách nhất quán.

Có một số người theo lối nghĩ tiêu cực sẽ bảo đó là làm truyền thông (PR), hình ảnh. Nhưng dù thế nào, cái hay nhất của việc này, phải thấy ngay là nó tạo ra một thói quen, một tiền lệ quan trọng.

Bởi nếu thói quen này được thực hiện, từ nay về sau, Thủ tướng và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, với những chuyến đi tương tự, cũng có thể lựa chọn đi máy bay thương mại thường xuyên hơn. Bởi việc này sẽ giúp tiết kiệm cực kỳ lớn tiền sử dụng máy bay chuyên cơ.

Hơn nữa, nó giảm đi vô cùng nhiều những rắc rối do việc lạm dụng chuyên cơ: Mỗi khi chuyên cơ lên xuống, các chuyến bay khác bị delay, chờ. Có những chuyến đi nước ngoài, chuyên cơ đỗ hàng mấy ngày. Riêng tiền chi phí "bến bãi" đã không hề nhỏ. Khi bay, máy bay trống quá lớn bởi chỉ có vài chục người đi, lãng phí vô cùng.

Hơn nữa, không phải trước đây không có những chuyện, có chuyến những chuyến bay chuyên cơ được những người đi cùng lạm dụng, chở hàng, chở đồ cá nhân... gây nên dư luận xấu.

Đương nhiên, chế độ bay chuyên cơ không thể bỏ, bởi có những chuyến đi có ý nghĩa rất quan trọng trong quan hệ đối ngoại, việc sử dụng chuyên cơ vẫn rất cần thiết. Nhất là trong các chuyến thăm chính thức, cấp Nhà nước, khi nước bạn tổ chức đón tiếp, nếu lãnh đạo đi bằng máy bay thương mại thì việc đón tiếp là bất tiện.

Tuy nhiên, do nhận thấy chế độ bay chuyên cơ là "không tiết kiệm" nên nhiều vị nguyên thủ các quốc gia như Thái Lan, Singapore... ngày nay đã thường xuyên dùng máy bay thương mại trong các chuyến đi công tác nước ngoài, kể cả chuyến đi thăm cấp Nhà nước.

Do đó, việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lựa chọn đi công tác bằng máy bay thương mại lần này, được người dân trân trọng, trông đợi như một việc sẽ tạo lên thói quen mới, tiền lệ mới trong việc hạn chế sử dụng chuyên cơ.

Mạnh Quân