Khi robot cũng có bộ Quy tắc Đạo đức

(Dân trí) - Thời gian gần đây, con người đã thành công trong việc chế tạo ra thế hệ robot biết tự biểu cảm, thể hiện cảm xúc và biết tương tác, phản ứng với môi trường. Cũng chính vì thành tựu này mà giữa năm 2016, Viện Các tiêu chuẩn của Anh (British Standards Institution) đã cho công bố bộ Quy tắc Đạo đức cho robot dựa trên cơ sở ý tưởng về 3 “Điều luật” dành cho robot của nhà văn khoa học viễn tưởng người Do thái nổi tiếng Issac Asimov, một trong ba tác giả huyền thoại của khoa học viễn tưởng.

Minh hoạ: Ngọc Diệp
Minh hoạ: Ngọc Diệp

Ba “Điều luật” mà nhà văn Issac Asimov đưa ra trong tác phẩm của mình là: Thứ nhất, Robot không được làm hại con người hoặc để mặc cho con người bị hại. Thứ hai, Robot phải tuân theo mệnh lệnh được con người đưa ra trừ khi những mệnh lệnh này mâu thuẫn với điều luật thứ nhất. Thứ ba, Robot phải tự bảo vệ mình với điều kiện hành vi tự vệ này không mâu thuẫn với hai điều trên.

Câu chuyện về khả năng tương tác với môi trường và bộ quy tắc đạo đức của robot làm giật mình tất cả những ai biết đến nó. Về bản chất, bộ quy tắc hướng đến đối tượng chịu trách nhiệm về hành vi của robot. Tuy nhiên, trong một liên tưởng có tính hình tượng, bộ quy tắc đạo đức của robot làm chúng ta phải nhìn lại chính mình. Hơn một lần, chúng ta chứng kiến sự lạnh lùng, vô cảm, vô trách nhiệm, thái độ ích kỷ bàng quan của một bộ phận trong chúng ta, trước những biểu hiện tiêu cực trong đời sống.

Những người này hoặc là hèn nhát, giả dối không dám chịu trách nhiệm trước hậu quả của những việc mình gây ra hoặc là “Quan bảy cũng ừ, quan tư cũng gật”, “Ngậm miệng ăn tiền”, “Mũ ni che tai”, thấy điều xấu, điều ác không lên tiếng, thậm chí thấy người gặp nạn không cứu giúp. Họ ích kỷ và tàn nhẫn, không hề động lòng trước những nỗi đau của người khác, cũng như không hề phẫn nộ trước những tệ nạn xã hội xảy ra trước mặt nếu nó không đụng đến mình.

Chính vì thế mà những hiện tượng thực ra rất bình thường, gần như là lẽ đương nhiên của cuộc sống, bỗng trở nên nổi tiếng và hi hữu như chuyện chị Hoàng Thị Nguyệt và đồng nghiệp đứng lên tố cáo sai phạm tại bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức, cũng ở Hà Tây cũ; hay chuyện bà Nguyễn Thị Hòa ở quận Tây Hồ 3 năm liền một mình tìm cách chống tiêu cực trong dự án kè hồ Tây v.v.

Câu chuyện 18 giáo viên của trường phổ thông trung học Nam Trung Yên mới đây, sau khi ký tên vào một bản xác nhận mù mờ đã quay lại phản đối, chỉ ra sự dối trá của ban lãnh đạo nhà trường trong việc che đậy nguyên nhân một học sinh của mình bị gãy chân vừa qua, giúp sự việc được sáng tỏ trước công luận đã cho thấy để có thể hành động như một lẽ đương nhiên đôi khi con người cũng phải vượt qua nhiều thử thách .

“Không được làm hại con người hoặc để mặc cho con người bị hại”, đến một cỗ máy khi vận hành còn phải có nguyên tắc đạo đức như thế - không hại người và không để người bị hại- lẽ nào chính con người lại có thể bỏ quên nguyên tắc đó, để sống thờ ơ, ích kỷ, vô trách nhiệm với đồng loại được?

Nhân loại hôm nay phải “lao tâm khổ tứ” tìm cách chế tạo bằng được con chip "tình cảm" để khiến những cỗ máy vô tri vô giác biết yêu, biết ghét, biết đúng, biết sai… trong khi chính mình nơi này nơi khác lại đang để mất đi những điều tốt đẹp vốn có ở trong mình. Nghĩ cũng thật kỳ cục!

Cát Thụy