Khi quản lý thị trường "bảo kê" cho hàng lậu, hàng giả!

(Dân trí) - Một khi lực lượng quản lý thị trường đã không “mạnh” lại còn thiếu “trong sạch”, nhất là lại “tiếp tay, bảo kê” thì công cuộc chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng không thất bại mới là chuyện lạ, phải không các bạn?

 


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Trong dư luận xã hội, chuyện cán bộ quản lý thị trường “tiếp tay, bảo kê” cho hàng giả, hàng lậu không lạ, thậm chí là… rất quen. Thế nhưng việc một vị lãnh đạo cao cấp của Chính phủ đặt ra vấn đề này một cách công khai thì nó không còn là “dư luận” nữa.

Tại Hội nghị trực tuyến "​Triển khai nhiệm vụ năm 2016" do Cục Quản lý thị trường tổ chức chiều 15/1, sau khi khen ngợi những thành tựu của lực lượng này, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng để hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và cả hàng “bẩn” như hiện nay là bởi còn tình trạng kiểm tra nhiều nhưng xử lý ít, gây phiền hà và cả có tình trạng bảo kê, tiếp tay…

Công bằng mà nói, lực lượng quản lý thị trường năm 2015 so với năm 2014 đã có nhiều nỗ lực. Số vụ kiểm tra tăng 3,2%, phát hiện xử lý tăng 11,2%, tổng số thu nộp ngân sách tăng 16%  và giá trị hàng tịch thu chưa bán tăng 59,5% ...

Song thực tế cho thấy, tình trạng hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại vẫn ở mức báo động mà một trong những nguyên nhân chính, nguyên nhân cốt lõi, là bởi trong lực lượng quản lý thị trường có hiện tượng “tiếp tay, bảo kê” như nhận xét của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Đối với mặt trận chống hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại, có tình trạng “tiêp tay, bảo kê” là vô cùng nguy hiểm bởi trong cuộc chiến chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, lực lượng quản lý thị trường đóng vai trò then chốt. Thế mà nếu chính trong lực lượng này lại “bảo kê, tiếp tay” thì “tức là có hay không tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã từng cảnh báo. Và khi đó sẽ “không bao giờ thành công” như lời ông Phúc.

Vâng, có lẽ xin thưa lại với Phó Thủ tướng rằng nếu lực lượng quản lý thị trường mà “tiếp tay, bảo kê” thì không chỉ “không bao giờ thành công” mà chăc chắn thất bại, thất bại một cách thảm hại. Bởi những hành vi “bảo kê, tiếp tay” không chỉ tạo điều kiện cho các đối tượng buôn lậu, làm hàng giả hay gian lận thương mại mặc sức hoành hành mà sâu xa hơn, nó là viên đạn bắn vào sau lưng đồng đội.

Trong khi có những cán bộ trong sạch ngày đêm lăn lộn trong cuộc chiến chống lại những đối tượng này thì có “đồng đội” đã bán mình và bán cả đồng đội mình cho tiêu cực. Điều này sẽ làm nản lòng người, thậm chí lòng người ly tán.

Trong khi các đối tượng buôn lậu, làm hàng gỉa và gian lận thương mại ngày càng tinh vi, nếu tất cả đồng lòng, đồng sức đã chưa chắc đảm bảo chiến thắng thì sự phân tâm, phân tán, làm sao có thắng lợi?

Việc “bảo kê, tiếp tay” là sự thoái hóa của một bộ phận cán bộ, công chức trong lực lượng này. Song, vấn đề không chỉ nằm ở đó mà có thể, nó còn có nguyên nhân sâu xa hơn. Ví như từ cuộc thi tuyển công chức thiếu minh bạch cách đây chưa lâu ở Cục này là một ví dụ.

Nếu như cái sự thiếu minh bạch đó có nguyên nhân từ “công chức trăm triệu” thì có việc “bảo kê, tiếp tay” cũng là tất yếu bởi không ai “bỏ vốn” lại không chăm chăm hoàn vốn và thu lãi.

Cho nên, yêu cầu kiên quyết được đặt ra hàng đầu, đó là “lực lượng Quản lý thị trường phải mạnh và trong sạch” như yêu cầu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Song, muốn “mạnh và trong sạch” thì trước hết phải bắt đầu từ khâu tuyển dụng rồi sau đó là đào tạo và giám sát.

Còn một khi lực lượng quản lý thị trường đã không “mạnh” lại còn thiếu “trong sạch”, nhất là lại “tiếp tay, bảo kê” thì công cuộc chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng không thất bại mới là chuyện lạ, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám