Khi người bảo vệ trật tự trở thành kẻ gây rối
(Dân trí) - Vụ việc giám đốc một công ty bảo vệ ở thành phố Hồ Chí Minh dí súng bắn đạn hơi cay vào một phụ nữ hôm 5/12 vừa rồi đã làm dài thêm danh sách những vụ việc nhân viên bảo vệ trật tự gây… mất trật tự, phá hoại sự bình yên mà họ có nghĩa vụ phải bảo vệ.
Khi người bảo vệ trật tự lại chính là người gây mất trật tự, đe dọa đến cả tính mạng của người khác thì trật tự sẽ đến từ đâu?
Tháng 7/2016, vụ việc các bảo vệ của bệnh viện Nhi trung ương chặn xe cứu thương không cho đưa một bệnh nhi đang hấp hối trở về nhà đã gây phẫn nộ sâu sắc cho cả cộng đồng.
Trước đó vào năm 2014, bảo vệ của nhà máy Samsung Thái Nguyên đã dùng chân đạp đổ cặp lồng cơm và đánh một công nhân, đẩy hàng ngàn công nhân ở đây vào một cuộc bạo loạn.
Rồi hàng loạt vụ việc khác diễn ra ở nhiều nơi như nhân viên bảo vệ khu du lịch hồ Than Thở (Đà Lạt) đánh du khách trọng thương; nhân viên bảo vệ Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (TP.HCM) đánh một nhà báo trước sự chứng kiến của hàng ngàn khán giả và đồng nghiệp, nhân viên bảo vệ đánh người dẫn đến tử vong tại Khánh Hòa hay một bảo vệ của một bệnh viện ở Cần thơ đã đánh và chích điện vào người nhà của bệnh nhân và bệnh nhân v.v.
Đó chỉ mới là những vụ việc được báo chí thông tin chính thức, còn biết bao nhiêu vụ việc lẻ tẻ chỉ dừng ở dạng thông tin cá nhân trên mạng xã hội như vụ việc mới nhất gần đây là bảo vệ của một khu di tích nổi tiếng đã gây rối với chính ban tổ chức một sự kiện âm nhạc quốc tế: chặn cửa nhà vệ sinh của các nghệ sĩ, đòi cắt điện sân khấu, buộc ban tổ chức sự kiện phải nhờ lực lượng cảnh sát đến túc trực chỉ vì không được đưa người quen vào.
Thử gõ cụm từ khóa “nhân viên bảo vệ đánh người”, chỉ trong 0,31 giây Google đã cho ra 1.630.000 kết quả.
Đây là một nghịch lý thật khó hiểu. Lực lượng chịu trách nhiệm đảm bảo trật tự, an toàn lại làm mất trật tự, an toàn, thậm chí đe dọa đến tính mạng của người khác.
Hiện nay không chỉ các cơ quan công sở, bệnh viện, trường học, ngân hàng có đội ngũ bảo vệ mà nhiều siêu thị, cửa hàng kinh doanh, trụ sở doanh nghiệp sử dụng nhân viên bảo vệ để bảo vệ tài sản, giữ gìn an ninh trật tự cho các hoạt động của mình. Tuy nhiên, có vẻ như người ta đang quan niệm quá đơn giản về công việc cũng như lực lượng làm công việc này.
Người ta có thể thuê những người về hưu, những người từng tham gia ít nhiều vào lực lượng vũ trang, những võ sinh tự do là điều tốt, nhưng nhiều cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, quán Karaoke, quán cà phê, tiệm rượu v.v. lại sử dụng lực lượng bảo vệ tựa như là lực lượng bảo kê gồm cả người có tiền án tiền sự, những dân “anh chị” kiểu xã hội đen để giữ trật tự cho mình.
Thay vì việc thiết lập trật tự, đảm bảo an toàn, hướng dẫn người khác thực hiện các quy định, nhiều nhân viên bảo vệ lại có thái độ cửa quyền, hách dịch, gây căng thẳng, cản trở dẫn đến xung đột, đụng độ.
Theo nguyên tắc, một nhân viên bảo vệ phải là người được đào tạo cả về nghiệp vụ bảo vệ, kiến thức pháp luật, phương pháp sử dụng công cụ hỗ trợ cũng như kỹ năng ứng phó với những tình huống phức tạp… Thế mà đường đường một giám đốc doanh nghiệp chuyên dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp lại mạo danh (dùng thẻ công an giả), sử dụng súng uy hiếp phụ nữ.
Làm sao đảm bảo được trật tự xã hội khi mà việc “mất trật tự” lại diễn ra ngay trong chính lực lượng đang được giao đảm đương việc giữ gìn trật tự này?
Cát Thụy