Khi "cậu ấm", "cô chiêu" trở thành "con nợ khó đòi"
(Dân trí) - Học xong chương trình thạc sỹ ở nước ngoài bằng tiền ngân sách tỉnh, một số cán bộ là "con quan" cũng "bay xa", để lại khoản tiền chưa hoàn trả hàng tỷ đồng.
(Minh họa của báo Lao Động)
Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi đang phải trầy trật đòi nợ 4 cán bộ được cử đi đào tạo thạc sỹ ở nước ngoài, số tiền lên đến gần 10 tỷ đồng. Điều đáng nói, cả 4 cán bộ này đều là "cậu ấm", "cô chiêu" của lãnh đạo các cơ quan cấp tỉnh và thành phố Quảng Ngãi.
Cụ thể, các bà H.T.L.V. là con của nguyên Giám đốc Sở Tài chính, N.L.N.H. con của nguyên Trưởng Ban Tổ chức, P.T.M.H. con của nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh và ông P.T.V. là con của nguyên Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi.
Các vị công chức là con quan này đã được lựa chọn để cử đi học thạc sỹ tại Anh và Australia bằng tiền ngân sách tỉnh đầu tư cho Dự án đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và thu hút nhân lực có trình độ cao. Tùy theo ngành đào tạo và từng quốc gia, ngân sách tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư cho mỗi vị này từ 1 tỷ đến 1,7 tỷ đồng.
Trước khi du học, các cán bộ này đều đặt bút ký cam kết học xong sẽ về tỉnh công tác trong thời gian 5 năm, nếu không, phải hoàn trả gấp đôi kinh phí đào tạo.
Giấy trắng mực đen thì là vậy nhưng khi "vinh quy bái tổ", có người không quay lại cơ quan cũ, có người chỉ công tác được một thời gian ngắn rồi... nghỉ việc. Theo cam kết, 4 vị con quan này phải hoàn trả vào ngân sách 9,8 tỷ đồng.
Tháng 11/2019, tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định thu hồi kinh phí hỗ trợ đào tạo đối với 4 người này. Việc hoàn trả cũng được giãn ra trong 2 năm, chia thành 10 đợt, mỗi đợt bằng 1/10 tổng kinh phí phải hoàn lại.
Thế nhưng đến thời điểm này, họ mới chỉ nộp lại được 2,8 tỷ đồng, còn nợ 7 tỷ đồng. Trong đó, 2 người đã trả 1 nửa số tiền. Riêng bà P.T.M.H - ái nữ nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy mới trả 170 triệu đồng trong số 3,5 tỷ đồng phải hoàn trả!
Được cử đi nước ngoài học tập, đó không chỉ là vinh dự của cá nhân này mà còn khiến cả gia đình, dòng họ nở mày, nở mặt. Thế nhưng, họ đã phụ niềm tin của lãnh đạo tỉnh, của người dân, của gia đình và phản lại chính cam kết của mình. Chỉ từng đấy thôi cũng đủ thấy rằng họ không xứng đáng là công bộc của dân, không xứng đáng để có mặt trong bộ máy cán bộ.
Việc đòi lại kinh phí hỗ trợ đào tạo là tất nhiên và nhất thiết phải thu hồi bằng được bởi đó là tiền thuế của dân và tỉnh Quảng Ngãi đã có phần nhân nhượng trong việc thu hồi khi cho phép chia nhỏ số tiền thành nhiều đợt hoàn trả.
Trong vòng nửa năm tới, khi thời hạn thu hồi kết thúc, nếu những "con nợ" này vẫn tiếp tục dây dưa, cần phải sử dụng đến các biện pháp tố tụng buộc họ phải thực hiện phần trách nhiệm tài chính của mình.
Đây không phải là lần đầu tiên các địa phương rơi vào tình cảnh "thả gà ra đuổi" khi hỗ trợ kinh phí cho cán bộ đi học nhằm nâng cao trình độ để phục vụ tốt hơn cho nhiệm vụ là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, để không rơi vào "vết xe đổ" của Quảng Ngãi, cần phải có những quy định chặt chẽ hơn, có biện pháp xử lý cứng rắn hơn trong việc này. Họ phải là những người có trình độ, có năng lực và thực sự gắn bó với quê hương và quan trọng nhất là phải có lòng tự trọng, sự liêm sỉ cũng như trách nhiệm với tiền thuế của dân.
Một khi "cậu ấm", "cô chiêu" trở thành "con nợ khó đòi" thì cần xử lý theo luật pháp.