Khi bình quân mỗi người dân "gánh" 35,1 triệu đồng nợ công
(Dân trí) - Nợ công bình quân đầu người hiện ở mức 35,1 triệu đồng, với những ai có thu nhập cao thì nghe không mấy ấn tượng, song với đa số đây chắc chắn vẫn là số tiền lớn.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, tổng số dư nợ công của Việt Nam đến ngày 31/12/2020 là hơn 3,52 triệu tỷ đồng, tăng 6,02% so với năm 2019 và bằng 55,94% GDP.
Như vậy, tỷ lệ nợ trên GDP vẫn đảm bảo dưới mức trần 65% GDP và nằm trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, nợ công bình quân đầu người có xu hướng tăng qua các năm; hiện nay ở mức 35,1 triệu đồng/người và trước đó vào năm 2018, con số này là 31,69 triệu đồng/người, năm 2019 là 33,62 triệu đồng.
Với số liệu trên, đã có ví von rằng, một đứa trẻ vừa sinh ra đã có nghĩa vụ "gánh" khoản nợ công hơn 35 triệu đồng. Đương nhiên, xét đơn thuần về con số "bổ đầu người" thì ví von này không phải không có lý. Song ở đây nghĩa vụ, trách nhiệm đi liền với quyền lợi. Đối với bất cứ quốc gia nào, vay nợ là điều bình thường và cần thiết để tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách, đáp ứng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng và giúp gia tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế. Các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc... đều nằm trong nhóm các quốc gia vay nợ nhiều nhất. Trong đó, ngày 10/5 vừa qua, Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết lần đầu tiên trong lịch sử, dư nợ nợ công dài hạn của nước này đã vượt ngưỡng 1 triệu tỷ Yên (khoảng 7.700 tỷ USD). Trong khu vực Đông Nam Á, nợ công của Thái Lan đến hết năm 2021 khoảng 293 tỷ USD, tương đương gần 60% GDP. Nhìn chung các chính phủ trên khắp thế giới đã tăng cường vay nợ kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhằm triển khai các gói hỗ trợ và phục hồi kinh tế.
Khi được sử dụng hiệu quả, nợ công sẽ đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế đất nước và cải thiện đời sống người dân. Và ngược lại, nếu nợ công không được sử dụng đúng mục đích, không được quản lý chặt chẽ thì có thể dẫn đến vỡ nợ. Cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp và nhiều nước khác thời gian qua cho thấy ảnh hưởng nghiêm trọng của nó đối với nền kinh tế và đời sống người dân.
Từ góc nhìn của các chuyên gia, vấn đề quan trọng là nợ công có được kiểm soát theo hướng bền vững hay không? Từ mức 63,7% GDP vào năm 2016, nợ công của Việt Nam đã giảm nhanh xuống mức 61,4% năm 2017, tiếp tục giảm xuống 61% năm 2018 và hiện nay là 55,94% như nêu trên. Điều đáng mừng là cách đây vài ngày, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng "ổn định". Trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp dẫn đến 30 lượt hạ bậc tín nhiệm trên thế giới, Việt Nam vẫn là một trong 2 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nâng tín nhiệm kể từ đầu năm 2022. Điều này nghĩa là triển vọng về vĩ mô, về năng lực tài chính của Việt Nam đã được ghi nhận có bước tiến so với trước.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, dù nợ công hiện nay dưới mức trần 65% GDP, nhưng các cơ quan quản lý cần quan tâm đến nền tảng để kiểm soát nợ công. Mức độ an toàn hay rủi ro của nợ công không chỉ phụ thuộc vào tỷ lệ nợ/GDP, tổng nợ và nợ hàng năm phải trả mà quan trọng hơn là phụ thuộc vào thực trạng phát triển của nền kinh tế, cơ cấu nợ (nhất là khả năng vay nợ nước ngoài với chi phí thấp), khả năng trả nợ và các rủi ro trong tương lai.
Còn từ góc nhìn người dân bình thường, các số liệu về GDP, về nợ công… mang tính vĩ mô và không phải ai cũng cắt nghĩa được rõ ràng. Nhiều người sẽ quan tâm hơn đến những gì thiết thực và gần gũi, rằng làm sao họ được hưởng thành quả của tăng trưởng kinh tế, thông qua nâng cao chất lượng sống, tăng phúc lợi xã hội (y tế, giáo dục, hạ tầng…); rằng làm sao các khoản đầu tư của Nhà nước không bị thất thoát, lãng phí… và người dân được thụ hưởng trọn vẹn, công bằng.
Những con số bình quân, như là thu nhập bình quân đầu người hay nợ công bình quân đầu người…, cho dù cần thiết trong nắm bắt tình hình chung, nhưng nhiều khi dễ làm lấp đi các thân phận hoàn cảnh khác nhau. Câu chuyện chục năm về trước khi thu nhập bình quân đầu người tỉnh Trà Vinh đạt 800 USD, một người nông dân đã chia sẻ với lãnh đạo tỉnh rằng: "Một người ăn nguyên một con gà, một người chỉ đứng nhìn, tính bình quân mỗi người ăn được... nửa con gà. Nghe 800 USD tui ham lắm, nhưng chừng nào tui và gia đình tui mới có được!".
Tương tự như vậy, nợ công bình quân đầu người hiện nay ở mức 35,1 triệu đồng, với những ai có thu nhập cao thì nghe không mấy ấn tượng, song với đa số đây chắc chắn vẫn là số tiền lớn.
Nợ, nói cho cùng là đòn bẩy phát triển, đòn bẩy đó nếu được sử dụng đúng mục đích thì sẽ giúp đất nước phát triển, cải thiện cuộc sống người dân. Còn một khi nợ cao song sử dụng không hiệu quả, lợi ích không được phân bổ công bằng…, thì câu chuyện nợ công lại rất đáng lo!
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!