Khát vọng vươn lên và… được nộp thuế
(Dân trí) - Tính đến ngày 31/12/2020, cả nước đã tiết kiệm 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020.
Tổng số kinh phí đã cắt giảm, tiết kiệm được của ngân sách trung ương là 49.300 tỷ đồng, tương đương 4,6% dự toán Quốc hội giao.
Trên đây là những con số được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu tại cuộc trả lời báo chí mới đây về những dấu ấn tài chính - ngân sách năm 2020.
Ông Dũng cho biết, nhiệm vụ năm 2020 được triển khai thực hiện trong "điều kiện chưa từng có tiền lệ": căng thẳng thương mại giữa các nước lớn leo thang, đại dịch Covid-19 xuất hiện, đã làm cho nhiều quốc gia trên thế giới rơi vào suy thoái nghiêm trọng.
Trong một bối cảnh khó khăn như vậy, để có thể cân đối được cán cân thu - chi Nhà nước không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Thu gặp khó, đương nhiên, chi cũng phải đúng nơi, đúng chỗ và hiệu quả.
Từ thực tế của ngành tài chính, chúng ta cũng thấy rằng, ở một góc độ nào đó, Covid-19 cũng đã tạo nên những áp lực rất lớn với nhà điều hành, buộc các ngành các cấp phải nâng hiệu quả đồng vốn Nhà nước lên mức tối đa và mạnh tay cắt bỏ những khoản chi không cần thiết.
Đây cũng là mục tiêu mà ngay cả trong điều kiện bình thường, từ trung ương đến địa phương đều phấn đấu đạt được.
Dịch Covid-19 vẫn còn đó. Những thách thức, khó khăn về kinh tế trong điều kiện hội nhập vẫn còn đó. Áp lực thu - chi vẫn còn đó… Do vậy, trong năm 2021 và cả những năm tiếp theo, bài toán tiết kiệm ngân sách luôn hiện hữu.
Nhìn nhận về bối cảnh kinh tế hiện tại, lãnh đạo ngành tài chính đã rất thẳng thắn: Đối với nước ta, những thành quả đạt được trong năm 2020 là hết sức tích cực và đáng tự hào nhưng vẫn còn quá sớm để cho rằng chúng ta đã thoát ra khỏi khó khăn do Covid-19.
Thế nhưng, ngành này vẫn đặt nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 là phấn đấu tăng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 3% so với dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ động viên vào NSNN khoảng 15,5%GDP; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN.
Có câu: "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm". Bên cạnh việc giảm chi, phương án phải tăng thu thiết nghĩ cũng là điều dễ hiểu với người giữ "chìa khóa" ngân khố.
Song, như thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong năm 2020, có 101.719 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 13,9% so với năm 2019. Đó là chưa kể có hàng trăm nghìn doanh nghiệp khác bị giảm doanh thu, thua lỗ, lợi nhuận thụt lùi… Nghĩa là nơi nuôi dưỡng nguồn thu đã và đang bị tổn thương.
Đồng tình với một số giải pháp mà Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu ra, người viết cũng cho rằng, điều quan trọng là phải hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, phải nuôi dưỡng nguồn thu. Doanh nghiệp phải khỏe, phải sống sót thì mới có thể hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Điều quan trọng là phải chống trốn thuế, gian lận thuế. Không thể có chuyện có những doanh nghiệp lớn, hưởng nhiều ưu đãi mà triền miên báo lỗ để trốn, tránh thuế, không đóng góp cho xã hội. Không thể có những cá nhân hưởng lợi ích lớn từ cộng đồng mà không có nghĩa vụ gì với ngân sách.
Cơ hội nhiều, thách thức không ít. Nhưng cũng chính trong thử thách mới thấy được bản lĩnh, tài ba của người quản lý, của cơ quan điều hành.
Riêng về phía người nộp thuế, người viết tin rằng, đã là doanh nghiệp chân chính, ai cũng đều có khát vọng vươn lên và được đóng góp. Và cũng thầm mong sao, những người lao động như chúng ta, trong năm mới Tân Sửu sẽ thêm nhiều người… được nộp thuế và được đóng góp nhiều hơn nữa - đồng nghĩa với thu nhập tăng lên!