Khẩn trương tháo gỡ những nút thắt về vận tải trong mùa dịch

Bích Diệp

(Dân trí) - Người dân phản ánh có tình trạng siêu thị bán hàng cao hơn giá niêm yết (và có nơi đã bị lập biên bản). Siêu thị phản ánh tình trạng gom hàng trong siêu thị đem ra ngoài bán thu lời.

Khẩn trương tháo gỡ những nút thắt về vận tải trong mùa dịch - 1

Đó là một vài lát cắt, dù không mang tính đại diện, phần nào cho thấy những vấn đề cần phải giải quyết rốt ráo khi có thêm nhiều địa phương áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16.

Khi các chợ dân sinh, các điểm bán hàng tự phát phải ngừng hoạt động, việc cung ứng hàng hóa phụ thuộc vào các siêu thị. Theo lý thuyết, kể cả trường hợp cầu giữ nguyên (chưa nói là tăng), nguồn cung bị bó hẹp thì đương nhiên giá cả bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, người dân bị thiếu hụt nguồn thu nhập, đặc biệt những hộ gia đình có nguồn tích lũy hạn chế, họ sẽ cảm nhận rõ rệt tác động tăng giá lên đời sống. Muốn người dân sống được, "yên tâm ở nhà" (như lời của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung), ngoài sự hỗ trợ trực tiếp của những gói giải cứu thì đảm bảo thị trường bình ổn là điều cấp thiết.

Chuyên gia kinh tế thương mại Vũ Vinh Phú nhận xét, sự "bấn loạn" về mớ rau, cọng hành ở TPHCM trong những ngày đầu giãn cách theo Chỉ thị 16 cho thấy, công tác chuẩn bị để đón đợt dịch bùng phát lớn chưa được đầy đủ nên dẫn tới những lúng túng trong điều hành tổ chức nguồn hàng, gắn kết chuỗi sản xuất phân phối, tổ chức bán ra cho người tiêu dùng... Hàng hóa đôi lúc, đôi nơi bị thiếu một cách giả tạo, mua bán bị đứt đoạn phiền hà.

Ông Phú cho rằng, từ bài học ở TPHCM những ngày qua, các địa phương khi có dịch phát sinh, cần nắm vững những nguyên tắc định hướng quan trọng để tổ chức tốt hệ thống phân phối của địa phương nhằm phục vụ người tiêu dùng một cách chắc chắn, hiệu quả, nhân văn nhất trong bất kể tình huống nào xảy ra trên các địa bàn. Đó là: "Khơi thông nguồn hàng, tổ chức lại hệ thống phân phối, tăng cường dự trữ hàng hóa, kiểm soát quản lý thị trường".

Về nguyên lý, nếu nguồn hàng được cung ứng đầy đủ dồi dào thì tâm lý tích trữ của người dân cũng sẽ giảm bớt và cũng không xảy ra khan hiếm. Sự căng thẳng về cái ăn cái mặc sẽ được giải tỏa.

Lý thuyết là vậy, song trên thực tế, để làm được điều đó cần có sự phối hợp liên ngành, sự thống nhất của địa phương này với địa phương khác...

Từ hơn 10 ngày trước, trong công văn gửi UBND các địa phương, Bộ Công Thương đã lưu ý về việc tập trung đẩy mạnh việc bảo đảm hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là nguồn cung hàng hóa cho Chương trình Bình ổn thị trường đã được ký kết.

Việc tạo luồng "ưu tiên đặc biệt" cho các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu; thiết lập các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa thiết yếu có kiểm soát an toàn dịch bệnh để thay thế các chợ đầu mối và các điểm trung chuyển đã bị đóng cửa nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời hàng hóa cho người dân… cũng đã được Bộ Công Thương đề nghị triển khai.

Thế nhưng, như ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện vẫn còn một số địa phương chưa thực sự chủ động lên phương án tổ chức "luồng xanh" trên địa bàn của tỉnh nên khi áp dụng giãn cách xã hội việc điều tiết, tổ chức vận chuyển hàng hóa rơi vào thế bị động.

Chúng ta thông cảm với áp lực của các địa phương khi biến chủng delta của dịch Covid-19 lan rất nhanh. Một số địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình đang siết chặt yêu cầu, như xe vào phải dán logo 3 cấp độ, không chấp nhận test nhanh… Sự thận trọng là dễ hiểu.

Thế nhưng, "nút thắt" này nếu không được tháo gỡ nhanh chóng sẽ ảnh hưởng lớn đến thành công của công tác khoanh vùng chống dịch và an sinh xã hội.

Do vậy, những đề xuất như đưa lực lượng vận chuyển, cung ứng hàng hóa; lực lượng bán hàng, tiểu thương vào diện ưu tiên tiêm vắc xin sớm… cần được xem xét. Hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm toàn tuyến bắc - nam cần lưu thông thuận lợi, xuyên suốt, người dân phải an tâm, công cuộc chống dịch mới thành công như mong đợi.