Kế sách giữ nước và trách nhiệm trước lịch sử
(Dân trí) - “Còn việc trên Biển Đông, làm sao có một cây gậy thần để nhấc nó ra khỏi bản đồ giữa 2 nước được? Ta buộc lòng phải chấp nhận sự thật và đấu tranh một cách rất kiên trì, bền bỉ và bình tĩnh để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ chính đáng của đất nước, trên cơ sở luật pháp quốc tế” - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, đã trả lời với phóng viên Dân trí như vậy khi trao đổi về mối quan hệ đối với Trung Quốc.
Phóng viên Dân trí đã đặt vấn đề rằng, trong quan hệ giữa hai Bộ Quốc phòng hai nước luôn thể hiện tinh thần hợp tác tốt, nhưng trên thực tế Trung Quốc đi ngược lại các cam kết, vẫn tiến hành việc tôn tạo đảo, đầu tư quốc phòng, trang bị vũ khí quân sự trên khu vực biển đảo mà chúng ta phản đối.
Vấn đề mà phóng viên Dân trí nêu cũng là điều mà người dân Việt Nam thấy rất rõ, gọi là Trung Quốc luôn “nói một đàng, làm một nẻo”. Người dân Việt Nam xem trên truyền hình, đọc trên báo, thấy các quan chức cao cấp gặp gỡ và có những cam kết về quan hệ rất tốt đẹp, hữu nghị, nhưng ngay hôm sau lại đọc thấy tin Trung Quốc tấn công tàu cá ngư dân Việt Nam, Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Vậy thì những lời nói tốt đẹp, hữu hảo đó liệu có ý nghĩa và giá trị hay không?
Người dân thấy điều tráo trở đó thì tất nhiên các vị lãnh đạo ở các cấp cũng thấy rất rõ. Tuy nhiên, với các nước lớn mà Trung Quốc là một ví dụ, không phải dễ dàng để xử lý các mối bất đồng, mà cần có thời gian. Rõ ràng xung đột giữa hai quốc gia trên biển Đông là một thực tế, thực tế đó không thể bỗng dưng có “cây gậy thần” để giải quyết. Việt Nam sát với Trung Quốc, đất liền cũng như vùng biển, mảnh đất hình chữ S có “sổ đỏ” mấy nghìn năm nay không thể dời đi đâu được.
Láng giềng với Trung Quốc, một nước lớn nhưng đầy tham vọng bành trướng, quả thật là từ thời cha ông đến nay, không thời nào được yên, không thời nào mà người có lòng yêu nước không “tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa”. Cho nên, uyển chuyển đấu tranh ngoại giao một cách kiên trì và bền bỉ để giữ nước vẫn là thượng sách. Tránh mọi xung đột quân sự cũng vì “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.
Không người dân nào, của bất cứ quốc gia nào không mong ước hòa bình.
Việt Nam chưa bao giờ khuất phục trước bất cứ cường quốc nào, Đại Việt sử ký toàn thư rành rành từng chữ như vậy. Nhu hay cương vào từng thời điểm thuộc về kế sách giữ nước. Kế sách đó đúng hay sai, lịch sử cũng sẽ ghi rành rành.
Lê Chân Nhân
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!