Kê khai tài sản: “Chúng ta đang kỳ vọng vào những cái không tưởng…”

(Dân trí) - Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Quyền, Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp tại Phiên họp thứ 7, Ủy ban Tư pháp Quốc hội về Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Bàn về việc mở rộng đối tượng kê khai tài sản, ông Quyền cho rằng thực tế việc kê khai hiện nay vô cùng hình thức.

Kê khai tài sản: “Chúng ta đang kỳ vọng vào những cái không tưởng…” - 1

"Chúng ta giao cho mấy anh tổ chức cán bộ đi xác minh không có tý chuyên môn điều tra nào thì chúng ta đang kỳ vọng vào những cái không tưởng”. Ông Quyền nói.

Đồng tình với ông Quyền, ông Bùi Quốc Phòng, Ủy viên Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị thu hẹp đối tượng kê khai. Dẫn ví dụ các đối tượng như Phó Chủ tịch Hội phụ nữ, Thanh niên ở cấp huyện, phụ cấp 0,2, họ là các cơ quan tuyên truyền chủ trương, chính sách, không có điều kiện để tham nhũng. Vì thế, ông Phòng đề nghị:

“Thu hẹp các đối tượng kê khai tài sản, tập trung vào đội ngũ cán bộ có chức có quyền, sẽ giúp việc kiểm soát tài sản tập trung hơn, dễ thực hiện hơn”.

Đây là những ý kiến rất đáng được quan tâm bởi nhìn lại những năm qua, về lý thuyết, kê khai tài sản giúp kiềm chế tham ô, tham nhũng nhưng trên thực tế, việc này chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Trong số gần một triệu đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản, năm thì chỉ phát hiện một hai người, năm thì ba bốn người, tức là tỉ lệ 1-2/1.000.000 – 3-4/1.000 000 đối tượng kê khai không trung thực, một con số chắc chắn là không chính xác.

Thậm chí, nhìn vào bản kê khai, cán bộ công chức của ta “nghèo” đến mức độ cách đây mấy năm, ĐB Dương Trung Quốc đã chua chát thốt lên đầy… “hài hước”: “Nhìn vào bản kê khai, tôi thấy “thương” cán bộ của ta. Ai cũng nhà Nhà nước cấp, tài sản không có gì, chỉ có nguồn thu nhập là lương. Cán bộ “nghèo ” thế, dân giàu sao được?”.

Trong khi thực tế, không ít những ngôi nhà sang trọng, những biệt thự khủng, xe sang là tài sản của cán bộ, công chức.

Về nguồn gốc tài sản, có lẽ cũng khó có lời giải thích nào hài hước hơn “cô em kết nghĩa tặng”, “làm thối móng tay” hay “chạy xe ôm”, “buôn chổi đót”.

Việc kê khai thì vậy, việc công khai còn khó hơn nhiều. Cho đến bây giờ, kết luận thanh tra vụ việc cô Quỳnh Anh (Thanh Hóa) hay nguồn gốc tài sản của ông Phạm Sĩ Quý (Giám đốc sở TN&MT Yên Bái) vẫn còn bỏ ngỏ.

Không khỏi băn khoăn, Viện trưởng Quyền còn thẳng thắn chỉ ra, hiện nay chúng ta chỉ quy được trách nhiệm của người kê khai không trung thực còn xử lý tài sản thế nào trong dự án Luật này cũng bỏ ngỏ. Dự án Luật vẫn “bế tắc” chưa tìm được cơ chế kê khai, kiểm soát, xác minh và thu hồi tài sản.

“Người ta tham nhũng thì không bao giờ tự giác cả. Tôi thấy vắng bóng sự kiểm soát liêm chính”. Ông Quyền nói. Kê khai mà không công khai, không kiểm soát thì nhiều khi, kê khai chỉ là hình thức.

Trở lại với đối tượng kê khai tài sản, người viết bài này đồng tình với quan điểm “thu hẹp các đối tượng kê khai tài sản, tập trung vào đội ngũ cán bộ có chức có quyền” của ông Phòng.

Lý do thứ nhất, tham nhũng là “độc quyền” của những người có chức, có quyền. Không có chức, có quyền có muốn cũng không thể tham nhũng. Thứ hai, việc thu hẹp đối tượng sẽ khiến tập trung hơn, dễ kiểm soát và giám sát hơn. Thứ ba, nên tập trung vào những người đứng đầu bởi người đứng đầu nghiêm túc, chắc chắn thuộc cấp sẽ buộc phải nghiêm túc. Một khi “thượng” mà liêm chính thì tất “hạ” không thể “loạn” và nếu có chăng, chỉ là lén lút và số lượng rất nhỏ.

Một điều rất quan trọng, đó là một mặt cần tăng cường biện pháp giáo dục, tính tự giác… song, không nên đặt quá nhiều “niềm tin” vào điều này bởi chờ đợi bọn tham nhũng tự giác thì không khác gì “ nghe ca ve kể chuyện, tin đứa nghiện thanh minh”!

Bùi Hoàng Tám