Hủy bổ nhiệm “thần tốc”, bài “test” cho lời giải “tứ ệ” của Bộ Nội vụ
(Dân trí) - “Lúa tốt, sẽ bớt cỏ dại”, một khi có một qui trình hợp lý, sẽ tuyển chọn được những người xứng đáng và khi đó, bớt đi những cuộc bổ nhiệm thăng thiên, thần tốc, kỳ ảo của các “vĩ nhân trẻ tuổi” như Vũ Minh Hoàng, Vũ Quang Hải, Trần Vũ Quỳnh Anh…
Theo thông tin mới nhất từ báo Dân trí ngày 9/9, Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ Nguyễn Hoàng Ba cho biết, đã tham mưu cho UBND TP Cần Thơ hủy quyết định bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng làm Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Hội chợ triển lãm TP Cần Thơ.
Đây là một trong những “cậu giời” được bổ nhiệm thần tốc gây bức xúc dư luận thời gian vừa qua, cùng với các “vĩ nhân” Vũ Quang Hải (con ông Vũ Huy Hoàng), Trần Vũ Quỳnh Anh (Thanh Hóa)…
Có lẽ nên nhắc lại đôi nét về con đương thăng tiến thần tốc của “vĩ nhân trẻ tuổi” này. Vào ngày 4/6/2014, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ (BCĐTNB) có quyết định tuyển dụng ông Vũ Minh Hoàng vào làm việc tại Phòng Nghiên cứu – Tổng hợp của cơ quan này.
Hơn 3 tháng sau (ngày 8/9/2014), cơ quan này ra quyết định cử ông Vũ Minh Hoàng đi học Tiến sĩ ở Nhật Bản (10/2014 đến 9/2017). Trong thời gian này, dù không điều hành trực tiếp ở cơ quan nhưng ngày 15/1/2016, BCĐTNB lại có quyết định 824/QĐ/BCĐTNB bổ nhiệm ông Hoàng giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế của Ban.
Chỉ 32 ngày kể từ ngày bổ nhiệm làm Phó Vụ trưởng, BCĐTNB lại ký tiếp quyết định để ông Hoàng chuyển công tác về UBND TP Cần Thơ và ngày 26/2/2016, UBND TP Cần Thơ có quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm ông Hoàng giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư – Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ.
Con đường thăng tiến của ông Hoàng nhanh như gió lốc thì lộ trình hủy quyết định bổ nhiệm ông này lại khá thong dong, từ tốn, phải mất 9 tháng sau ngày bị dư luận phát hiện.
Song, vấn đề đặt ra là làm thế nào để vừa có thể tuyển dụng được những người có năng lực thực sự và thậm chí, bổ nhiệm họ vào vị trí lãnh đạo một cách nhanh chóng và thực chất là câu hỏi không dễ, nhất là với cơ chế hiện nay của ta.
Gần đây, trả lời báo chí về việc hướng dẫn thực hiện Đề án thí điểm đổi mới tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, sở, phòng của Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết sẽ đổi mới phương thức, thay vì trước đây chọn cán bộ, tức là cử người thì lần này tổ chức thi tuyển.
Trên tinh thần minh bạch, công khai, dân chủ nhằm chọn được đúng người, Bộ trưởng Tân còn cho biết, Đề án lần này mở rộng đối tượng thi tuyển kể cả trong và ngoài quy hoạch.
Đây có thể được coi như một bước đột phá dù không mới bởi trước đây, Chính phủ đã từng bổ nhiệm một vị Giáo sư, tiến sĩ ngoài Đảng làm Bộ trưởng. Đó là cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên.
Nhà giáo dục, nhà dân tộc học, nhà nghiên cứu văn hóa lớn này đã từng đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Giáo dục trong gần 29 năm (28 năm 350 ngày) và khó có thể nói khác, đây cũng là thời kỳ rực rỡ của giáo dục Việt Nam.
Cách đây ít lâu, cũng có một cán bộ được bổ nhiệm Cục phó khi chưa là đảng viên. Đó là ông Trần Hùng. Tháng 7/2009, ông Hùng được bổ nhiệm Vụ phó Vụ Công nghiệp nhẹ, đến 3/2012, ông Hùng được điều động và bổ nhiệm Cục phó Cục Quản lý thị trường cho đến cuối năm 2015, được biệt phái sang Phó Văn phòng Ban chỉ đạo 389. Cho đến thời điểm hiện tại đã chứng minh việc bổ nhiệm này là đúng, ông Hùng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trở lại với đề xuất bổ nhiệm cả những người không nằm trong diện qui hoạch của Bộ Nội vụ, đây có lẽ như một bài “test”, mở ra một hướng đi trong công tác cán bộ.
Công bằng, qui trình bổ nhiệm trước đây tương đối chặt chẽ, song qua thời gian đã bộc lộ những nhược điểm nhất định mà nổi cộm là ở khâu cơ cấu, qui hoạch.
Trong dân gian đã từng xuất hiện câu “thành ngữ mới”: “Cả đời phấn đấu không bằng cơ cấu một đêm”. Những người nằm trong qui hoạch có thể được bổ nhiệm, có thể không nhưng những ai không nằm trong qui hoạch thì chắc chắn không. Chính điều này đã ít nhiều triệt tiêu sức phấn đấu và không loại trừ tư tưởng “ăn sẵn” của một số người đã nằm diện cơ cấu.
Việc bổ nhiệm cả những người không thuộc diện qui hoạch còn là thông điệp, dù có được cơ cấu cũng hoàn toàn có thể bị loại nêu như không nỗ lực phấn đấu.
Đây có thể ít nhiều cũng là “phương thuốc” cho “qui trình tứ ệ - nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ và cuối cùng là trí tuệ) đã hơn một lần nhức nhối.
“Lúa tốt, sẽ bớt cỏ dại”, một khi có một qui trình hợp lý, sẽ tuyển chọn được những người xứng đáng và khi đó, bớt đi những cuộc bổ nhiệm thăng thiên, thần tốc, kỳ ảo của các “vĩ nhân trẻ tuổi” như Vũ Minh Hoàng, Vũ Quang Hải, Trần Vũ Quỳnh Anh…
Bùi Hoàng Tám