Hôi của người bị cướp chẳng khác gì ăn cướp

(Dân trí) - Một câu chuyện đau lòng xảy ra trên đường phố Sài Gòn ngày 16.10. Nạn nhân bị cướp tấn công, trong lúc người đàn ông giằng co bắt cướp, nhiều người khác tranh thủ đến lượm tiền của nạn nhân.

 

 

 (Minh họa: Ngọc Diệp)

 (Minh họa: Ngọc Diệp)

 
Đau là vì đã từng xảy ra những vụ việc tương tự như vậy ở không ít nơi trên đất nước này, và hình như, không ít người xem đó là chuyện bình thường.

 

Tại giao lộ Bà Huyện Thanh Quan – Võ Văn Tần, quận 3 – TPHCM, ông Trường đi xe máy, bị 4 thanh niên áp sát, móc tiền trong túi. Thực chất đây là một vụ tấn công theo kiểu cướp giật, không phải móc túi lén lút.

 

Khi xấp tiền 50 triệu đồng (mệnh giá 500.000 đồng) của nạn nhân văng ra đường, người dân xung quanh lao vào nhặt. Cho nên khi kiểm lại, ông Trường chỉ còn 30,5 triệu đồng.

 

Thay vì giúp ông Trường khống chế bọn cướp, thay vì giúp ông Trường nhặt tiền bay trên đường, có những người đã  tận dụng cơ hội để lấy tiền của ông. Họ làm như họ chỉ là người nhặt tiền rơi trên đường, không ăn cắp ăn trộm của ai. Nhưng thử hỏi, hành vi đó có khác gì trộm cướp.

 

Tệ hơn, những người tham gia cướp giật theo kiểu hôi của hả hê sung sướng, tự cho mình là nhanh tay lẹ mắt, khôn lanh giữa đời.

 

May thay, cũng còn có nhiều người giúp ông Trường, nhặt tiền lại cho ông, nếu không thì ông bị mất trắng sau vụ cướp tập thể của những người không phải là cướp.

 

Một số người khác không lao vào hôi của nhưng cũng không giúp người bị nạn. Họ bàng quan, coi như chuyện của thiên hạ, và tự xem rằng mình không nhặt tiền của nạn nhân là đã tốt rồi. Đứng nhìn người khác gặp nạn với cái nhìn lạnh lùng và không hành động để giúp đỡ mà tự cho mình là người tốt thì quá nguy hiểm.

 

Ông Trường bị mất gần 20 triệu đồng, ông sẽ rất buồn vì chuyện tiền bạc, nhưng có lẽ buồn hơn, đau hơn là chứng kiến những người chung quanh xông vào để lấy tiền của mình. Tranh thủ người khác gặp nạn để xâu xé thì còn gì là lương thiện. Tình thương, tình người, lòng trắc ẩn hình như ngày càng quá hiếm hoi.

 

Cũng mới đây thôi, chị Nguyễn Thị Huệ (35 tuổi), bị giật giỏ xách ngay trước ngân hàng ở thành phố Quy Nhơn. 1,2 tỉ đồng văng ra đầy đường, nhiều người xông vào nhặt nhưng thực chất cũng là cướp. Cuối cùng, chị Huệ chỉ lượm lại được hơn 800 triệu đồng.

 

Người ta nói đến đạo đức băng hoại, xuống cấp, tụt dốc, nhưng nhìn thấy sự xuống cấp đó bằng những sự việc cụ thể mới sợ hãi, và tình trạng hôi của nạn nhân là một ví dụ. Một cộng đồng mà lòng tốt bị cái xấu lấn lướt, một xã hội mà con người làm việc bất nghĩa nhiều hơn nghĩa hiệp thì không thể phát triển bền vững được.

 

Quá nhiều bài học đạo đức được rêu rao, nhưng những gì diễn ra trong cuộc sống cho thấy xã hội đang thiếu quá nhiều các giá trị đạo đức.

 

 

Lê Chân Nhân

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!