Học tại chức = Học vì… cái chức!

(Dân trí) - Đó là nhận xét của một người rất có kinh nghiệm và trách nhiệm - TS Nguyễn Việt Hùng, Phó bí thư Đảng ủy, Trưởng Khoa Xây dựng Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Cán bộ TP.HCM.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Tại buổi làm việc của Bí thư Đinh La Thăng với Học viện này ngày 4/3 vừa qua, ông Hùng nói: “30 năm làm việc ở trường này, tôi có kinh nghiệm là đào tạo hệ tại chức thì chất lượng sinh viên thấp… Chúng ta đang lạc hậu với chính mình. Thời phong kiến người ta có trường hậu bổ. Tức là đào tạo xong mới về làm quan còn nay cứ bổ nhiệm xong rồi chuẩn hóa. Nên tại chức là tại cái chức mà đi học thôi”.

Báo cáo với Bí thư Đinh La Thăng, ông Hùng nói thẳng là họ không có nhiều động cơ học tập, 30 năm giảng dạy ở trường này, ông mới cho duy nhất một điểm 10 và không thể nào tìm ra điểm 10 thứ hai vì học viên không có động cơ học tập.

Nói trắng ra, theo lời ông Hùng, họ đi học để “đối phó”, để đủ tiêu chuẩn phong chức, phong tước, văn bằng chỉ là công cụ để hợp pháp hóa cái ghế đang hoặc sắp ngồi. Đây là một nhận xét buồn, song tiếc thay lại rất đúng.

Điều này đã được Bí thư Thăng chỉ rõ ngay tại buổi làm việc khi ông Thăng nói: “Học có khi không phải vì nhu cầu công việc, có kiến thức để làm việc mà học vì thiếu bằng cấp để bổ nhiệm. Chứ học không phải xuất phát từ yêu cầu công việc mình đang đảm nhiệm”.

Vì sao lại có tình trạng này? Nguyên nhân có lẽ khó có gì khác, đó là phương pháp bổ nhiệm cán bộ của ta hiện nay, một xu hướng lỗi thời, thiên về bằng cấp mà không quan tâm nhiều đến chất lượng công việc.

Đây chính là nguyên nhân sinh ra nạn bằng giả và học giả, bằng thật. Đã có nhiều trường hợp mua bán bằng cấp để hợp lý hóa cho cái ghế và còn nhiều hơn là đi học để lấy bằng chứ không phải để thâu lượm kiến thức, một dạng “sớ” như lời ông Thăng nói: “Khi bổ nhiệm cán bộ nhiều lúc tôi được đưa cho tờ “sớ” bằng cấp. Tôi bảo không cần, tôi cần là đánh giá cho tôi ông này ưu điểm sở trường là gì, có bổ nhiệm được không, tại sao lại bổ nhiệm?”.

Vừa mới đây, ngày 22/2, Quận ủy Hải An, TP.Hải Phòng đã ra quyết định cách chức phó Bí thư Đảng ủy phường, chủ tịch UBND phường Đằng Lâm đối với ông Đặng Đình Thường (45 tuổi) với lý do sử dụng bằng cấp giả.

Có lẽ, vì có quan điểm trọng thực tài nên ông Thăng đã có một đề nghị “cũ người, mới ta”, mời các doanh nhân về tham gia giảng dạy. “Cần phải mời các doanh nhân giỏi đến dạy, thậm chí mời cả bà Mai Kiều Liên, Đoàn Nguyên Đức, Võ Quốc Thắng vào dạy… chứ không nhất thiết phải giáo sư, tiến sĩ mới dạy được”. Ông Thăng nói.

Nói “cũ người, mới ta” là bởi đây là điều khá phổ biến ở những quốc gia có nền giáo dục đào tạo tiên tiến. Họ không chỉ mời một cách rất trân trọng mà còn trả thù lao cao, rất cao cho những thầy giáo không chuyên này. Lý do họ mời, tất nhiên là yếu tố hiệu quả. Họ trọng thực việc hơn hư danh.

Khi nào mà vẫn còn tình trạng “học vì cái chức” và trọng hư danh hơn thực tài thì khi đó, chúng ta khó có thể đào tạo được những nhân tài thực sự và sẽ vẫn “lạc hậu với chính mình”, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám