“Hoan hô ông Nguyễn Thành Phong – Về việc bổ nhiệm ông Cang thế nào?”
(Dân trí) - Hai sự việc từ hai địa phương tuy cùng mắc khuyết điểm nhưng mỗi cá nhân có những cách hành xử khác nhau. Theo các bạn, cách hành xử nào là hợp lý, hợp tình và hợp lòng dân nhất?
Ông Nguyễn Thành Phong ở đây là Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, người đã có những phát biểu rất kiên quyết xung quanh việc xử lý cán bộ sai phạm. Còn ông Tất Thành Cang là người từng bị kỉ luật vừa được bổ nhiệm giữ chức Phó Ban chỉ đạo công trình lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại buổi làm việc với Thanh tra Thành phố về triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2019, ông Phong nói: “Thanh tra làm rất vất vả nhưng rốt cục khi xử lý thấy bình thường thì không nghiêm. Kết luận thanh tra đã chỉ rõ nên phải xử lý phù hợp với mức độ vi phạm, đừng giơ cao đánh khẽ”.
Những điều ông Phong nói là rất chính xác. Đã từ lâu, không ít vụ việc khi phát hiện thì như “con voi”, trải qua thời gian, tội lỗi, khuyết điểm cứ “hao hụt” dần đến khi xử lý thì chỉ còn như… “con kiến”.
Và hình thức không ít dừng ở mức “rút kinh nghiệm”, “kiểm điểm sâu sắc” hay “phê bình”, “cảnh cáo”, cao lắm thì phạt tù nhưng… hưởng án treo. Điều này khiến nhiều chuyên gia cho rằng cần phải cấm phạt án treo đối với tội tham nhũng.
Ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao từng đề xuất: “Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương cần thống nhất với TAND Tối cao hướng dẫn tòa các cấp chấm dứt việc cho người phạm tội tham nhũng hưởng án treo”.
Cách hành xử “giơ cao đánh khẽ” này không chỉ làm sai lệch mục đích sử dụng hình phạt, pháp luật bị “nhờn” mà còn suy giảm niềm tin nơi quần chúng nhân dân.
Vì thế, phát biểu trên đây của ông Phong là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, người viết bài này có một chút suy nghĩ, đó là xung quanh việc Thành phố vừa bổ nhiệm ông Tất Thành Cang giữ chức Phó Ban chỉ đạo công trình lịch sử TP HCM. |
Lý do băn khoăn là bởi tại Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cuối năm 2018, ông Cang đã bị cách chức Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XII, cách chức Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ TPHCM nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ TP.HCM và nhiều khuyết điểm khác.
Trong khi cùng thời điểm này, ông Ngô Văn Tuấn, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng sở Xây dựng nhưng ngay sau đó, ông Tuấn đã xin rút khỏi cương vị này.
Trong đơn gửi lãnh đạo tỉnh, ông Tuấn viết nguyên nhân là “do ảnh hưởng của dư luận quá lớn những ngày vừa qua về chức vụ chánh văn phòng Sở Xây dựng, tôi viết đơn này kính đề nghị chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo văn phòng UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Xây dựng cho phép tôi được chuyển công tác…”.
Hai sự việc từ hai địa phương tuy cùng mắc khuyết điểm nhưng mỗi cá nhân có những cách hành xử khác nhau.
Theo các bạn, cách hành xử nào là hợp lý, hợp tình và hợp lòng dân nhất?
Bùi Hoàng Tám