Họ là dân nhưng trong dân không có họ & làm dân đâu dễ?
(Dân trí) - Khi đương chức, “ăn của dân không từ thứ gì”, “bán của nước không từ thứ gì”, tham lam vơ vét như loại mõ làng, sao có sự kính trọng ngay cả khi đương chức. Có chăng, họ nhận được những lời tung hê giả tạo mà những người tung hê cũng không có lỗi bởi họ thèm khát nên họ đáng nhận sự giả dối đó.
Không hiểu sao từ khi bước sang tuổi 58, mình hay quan sát những người về hưu, ngẫm ngợi chuyện về hưu và chợt nhận thấy, công việc cũng giống như tình yêu, đến với nó bằng con đường nào thì khi ra đi cũng bằng con đường ấy.
Theo quan sát của mình, con đường về hưu phong phú và đa dạng đến muôn hình vạn trạng. Song, tạm chia làm ba “ngả” rẽ cho cái thời điểm lịch sử của mỗi đời người.
Ở ngả rẽ thứ nhất, có số lượng đông đảo là những người lao động bình thường. Những người này sau gần hết cuộc đời mình lao động sản xuất, đóng góp cho xã hội, đến tuổi hưởng chế độ, họ trở về vui thú với đời sống gia đình. Một ngày của họ thường bắt đầu bằng sáng thể thao, chiều thể dục. Thời gian rảnh đọc sách, trồng cây, nuôi chim cá cảnh hoặc trông nom cháu chắt.
Một số vị thay việc đánh cờ, câu cá thì làm thơ. Những bài thơ thường xoay quanh mấy chủ đề như răn dạy con cháu, ca ngợi cảnh đẹp quê hương và thù tạc bạn bè. Mỗi lần làm được câu thơ đắc ý, họ vỗ đùi đen đét và chỉ mong có ai đó cùng sở thích để “khoe thơ”. Một thú vui ít nhất là lương thiện và không tốn kém nên nhiều ông hứng chí, vài ba năm lại cho in một tập.
Nhìn chung, lớp người này sống hòa đồng với làng xóm quê hương và là thành phần trụ cột trong các hoạt động hội hè hay thể thao, văn hóa.
Ở ngã rẻ thứ hai, là một số cán bộ công nhân viên chức và nhà khoa học có nghề hoặc giỏi nghề. Khi nghỉ hưu, như được sổ lồng, họ lao vào say mê với công việc với tâm thế của mình, mình làm mình hưởng, thua thiệt mình chịu.
Những người này thường rất bận rộn, họ tranh thủ từng phút từng giây bởi họ hiểu, thời gian với họ không còn nhiều mà tham vọng ngày càng lớn. Điều ngạc nhiên là không ít người thu được những thành công hơn cả thời còn công tác. Họ không chỉ làm lợi cho gia đình, cho bản thân mà còn cho cả cộng đồng, đất nước. Đây cũng là những thành phần chính trong việc làm từ thiện hay công tác thiện nguyện.
Ngả rẽ thứ ba thì tương đối phức tạp. Đó là một số cán bộ có chức có quyền thân thể đã về hưu, vị trí đã về hưu nhưng tâm thế không hưu. Trong cái ngã rẽ này, cũng chia ra làm hai lối. Một lối là các vị có chức có quyền vẫn trăn trở với quê hương, đất nước. Trái tim họ vẫn sục sôi bầu nhiệt huyết như muốn bù đắp lại những gì mình ấp ủ mà chưa làm trọn. Họ hăng hái tham gia ý kiến với tinh thần vô tư, xây dựng.
Lối thứ hai là một số ít các vị, dù không còn công tác nhưng tư duy vẫn… bám trụ kiên cường. Cái nỗi nhớ quyền chức ám ảnh họ đến mức sáng sáng vẫn chỉnh trang quần áo, cắp cặp như định đi đâu đó và bên tai, như vẫn văng vẳng tiếng còi xe đến đón. Quên mất rằng giờ đã về hưu, đã làm dân nên họ vẫn nói bằng giọng dạy bảo và ra lệnh.
Song, bi kịch nhất là những vị quan chức khi về hưu “cúi đầu lầm lũi – chữ của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang” đi giữa cuộc đời. Họ cô đơn đến khủng khiếp bởi họ đã “ăn tận, uống cạn” những gì khi còn đương chức, đương quyền. Họ không nghĩ đến ai, chia sẻ với ai mà chỉ chăm chắm vơ về cho họ và gia đình họ.
Không ít người còn tỏ ra oán thán cuộc đời bạc bẽo. Họ trách cứ thuộc cấp “vô ơn” nhưng họ không biết rằng, tất cả đã được họ đã qui ra tiền mặt. Khi nhận một người vào làm việc, họ đã “công chức trăm triệu” thì làm sao họ còn đòi ơn huệ? Thăng cấp, nâng chức cũng phong bì, phong bao thì khi về hưu, sao đòi người ta đền đáp? Dự án đã “hoa hồng, hoa huệ” sao nói nghĩa tình?... Mọi việc đã qui ra tiền tức là đã trò mua - bán nên thậm chí, họ phải đội ơn thuộc cấp bởi “khách hàng là thượng đế”.
Mình đã từng hỏi thẳng một người bạn rằng khi nhận việc một cậu nhân viên, ông có cầm tiền của nó không mà giờ sa cơ, ngồi oán nó vô ơn bạc nghĩa?
Khi đương chức, “ăn của dân không từ thứ gì”, “bán của nước không từ thứ gì”, tham lam vơ vét như loại mõ làng, sao có sự kính trọng ngay cả khi đương chức. Có chăng, họ nhận được những lời tung hê giả tạo mà những người tung hê cũng không có lỗi bởi họ thèm khát nên họ đáng nhận sự giả dối đó.
Đó là chưa kể không ít người cậy mình “già làng trưởng bản” ức hiếp lớp trẻ, kèn cựa ghen ghét sợ họ “qua mặt” mình…
Những người như thế rất sợ nghỉ hưu bởi họ hiểu, họ là dân nhưng trong dân không có họ. Mới biết, làm dân đâu có dễ?
Từ khi bước sang tuổi 58, mình hay nghĩ ngợi về những người về hưu và chuyện về hưu. Ngẫm và nghĩ để tự răn mình dù mình đã và vẫn sẽ là dân. Bi kịch thay, đáng thương thay cho những ai quan không còn mà dân không nhận, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám