Họ đã nhầm về ngư dân Việt Nam - Khí phách Việt Nam!

(Dân trí) - Họ đã nhầm về ngư dân Việt Nam, về khí phách Việt Nam. Ngư dân ta không bao giờ khuất phục. Khi được hỏi: “Bị tàu Trung Quốc đâm chìm tàu và suýt mất mạng, giờ các anh có đi biển nữa không?”. Tất cả 10 ngư dân đều trả lời dứt khoát: “Đi chứ”.

 
Họ đã nhầm về ngư dân Việt Nam - Khí phách Việt Nam!

“Vô nhân đạo” và “tàn độc” là những lời đầu tiên của ông Nguyễn Văn Hòa, một trong 10 ngư dân vừa sống sót sau vụ tàu cá ĐNa 90152 TS bị tàu Trung Quốc mang số hiệu 11209 đâm chìm ngày 26/5, tại Hoàng Sa của Việt Nam.“Trong đời đi biển, tôi chưa thấy cách đối xử nào tàn độc như thế”- Lão ngư Nguyễn Văn Hòa bàng hoàng kể lại. 

Thuyền trưởng Đặng Văn Nhân bức xúc cho biết: “Hành động Trung Quốc rất ngang ngược, nó muốn hủy hoại tài sản và giết ngư dân chúng tôi chứ không chỉ đơn thuần là dọa dẫm”

Bình luận về hành vi này, trả lời phỏng vấn biên tập viên Kristie Lu Stout, người dẫn Chương trình “Dòng Sự kiện” (News Stream) ngày 29/5/2014, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh khẳng định những hành động nói trên của phía Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế,  xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt những hành động vô nhân đạo, tôn trọng luật pháp quốc tế, đồng thời không để tái diễn những hành động tương tự.

Trên Báo Giao thông, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) đánh giá: "Hành vi này phạm tội bị ngăn cấm, một hành vi tội ác bởi nó đã vi phạm mọi luật lệ quốc tế hiện hành".

Trên tờ Lao động Online ngày 27/05/2014, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã chỉ đích danh bản chất của sự việc này là khủng bố: “Đâm chìm tàu cá là hành động khủng bố”. Ông Sơn nói.

Ông Lê Hà, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam nói đây là hành động vô nhân đạo: "… Trung Quốc có hành động vô nhân đạo khi cản trở các tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển Việt Nam cứu hộ".

Chúng ta không lạ gì ý đồ của Trung Quốc cố tình ngăn cản tàu cá của ngư dân ta để ngư dân ta khiếp sợ mà không dám ra nơi này nữa.

Khi đó, đương nhiên Hoàng Sa là “độc quyền” của họ.

Nhưng họ đã nhầm. Nhầm về ngư dân Việt Nam. Nhầm về khí phách Việt Nam. Ngư dân ta không bao giờ khuất phục. Vừa trở về đất liền, khi được hỏi: “Bị tàu Trung Quốc đâm chìm tàu và suýt mất mạng, giờ các anh có đi biển nữa không?”. Tất cả 10 ngư dân đều trả lời dứt khoát: “Đi chứ”.

Trước hành động dũng cảm của ngư dân, nhiều cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân đã động viên, chia sẻ. Báo điện tử Dân trí đã ngay lập tức chuyển 100 triệu đồng từ Chương trình “Tiếp sức ngư dân bám biển” do báo phát động.

Đặc biệt, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khen ngợi: “Ở trên thực địa, dù Việt Nam chỉ có chừng 30 tàu của Cảnh sát biển và Kiểm ngư, tàu nào cũng hỏng, móp méo, phải vào xưởng sửa chữa 2-3 lần vì bị tàu phía Trung Quốc đâm va nhưng lực lượng chấp pháp vẫn quyết bám trụ với tinh thần dù có thể yếu hơn nhưng vẫn kiên quyết có mặt, bám trụ thực địa để phản đối, đẩy, đuổi người vi phạm”.

Có thể nói hành vi đâm vào tàu cá, phá hoại tài sản và đe dọa tính mạng ngư dân ta của Trung Quốc là cố ý giết người. Việc 10 ngư dân thoát chết là ngoài ý muốn của họ nên cần phải đưa ra tòa hình sự.

Trên Dân trí, Đại biểu Quốc hội, Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho biết: “Theo luật pháp thì các cơ quan chấp pháp Việt Nam có quyền bắt giữ và khởi tố”.

Không chần chừ gì nữa, đã đến lúc chúng ta phải đưa hành vi độc ác này ra tòa bởi đây không phải là lần đầu.

Chúng ta đã kiềm chế, thậm chí đã nhẫn nhịn mà nói như Nhà báo Lê Chân Nhân trên BLOG Dân trí cách đây mấy ngày: “Nhịn quá lâu rồi, dồn nén quá lâu rồi, chịu đựng quá lâu rồi…”.

“Áp đáo tại gia”, đến nhà người khác không chỉ ăn cướp tài sản mà còn phá phách và đe dọa giết chết chủ nhà là vô nhân đạo và tàn độc.

Vì vậy, việc đưa Trung Quốc ra tòa còn là trách nhiệm với lương tri và là mệnh lệnh của thời đại, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!