Hình thức kỉ luật nào cho bà Hồ Thị Kim Thoa?

(Dân trí) - Song, như tất cả mọi vụ việc, điều quan tâm nhất của người dân lúc này là những vi phạm về kinh tế sẽ được xử lý như thế nào? Có thu hồi được những tài sản mất mát (nếu có) của nhà nước hay không? Và hình thức kỉ luật nào tương xứng với những khuyết điểm nghiêm trọng trên? Liệu có lặp lại “bài ca đi cùng năm tháng” mang tên “kiểm điểm”, “khiển trách”, “cảnh cáo” và thậm chí là “cách chức”?

Hình thức kỉ luật nào cho bà Hồ Thị Kim Thoa? - 1

Cách đây hơn 2 tháng (27/4), trong bài “Có nên đổi một doanh nhân tài giỏi lấy một thứ trưởng xoàng?” người viết bài này đã từng đặt giả thiết, đấy là UB Kiểm tra Trung ương xác định số tài sản của bà Thoa được kết luận là chính đáng, minh bạch. Bà Thoa sẽ là tấm gương sáng cho tinh thần khởi nghiệp mà Chính phủ đang hết sức cổ vũ.

Tiếc thay, điều mong đợi ấy đã không xảy ra.

Theo kết luận mới nhất của UB Kiểm tra Trung ương, bà Thoa đã vi phạm một loạt các khuyết điểm về trình tự, thủ tục trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp, thực hiện không đúng, không đầy đủ các thủ tục theo quy định, quyết định của Nhà nước về quản lý đất đai, không báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xử lý và xử lý không đúng khoản thu 30 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng quyền khai thác, sử dụng khu đất 12 Tôn Đản.

Giai đoạn cổ phần hóa, bà Thoa đã mua cổ phần vượt mức, chuyển nhượng cổ phần không đúng quy định của Điều lệ của Công ty. Việc chuyển nhượng phần vốn góp của Nhà nước vào Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Điện Quang không báo cáo, xin ý kiến chủ sở hữu là vi phạm quy định về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp…

UB Kiểm tra Trung ương nhận định, trong thời gian dài, bà Thoa nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ theo quy định về kê khai tài sản, thu nhập, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.

Những vi phạm, khuyết điểm của bà Hồ Thị Kim Thoa được xác định là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật.

Nguy! Thế này thì rất nguy bởi trước đó, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã từng nhận hình thức kỉ luật vì liên quan đến những sai phạm trong quá trình bổ nhiệm, điều chuyển Trịnh Xuân Thanh từ khi ông này là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) về Bộ Công Thương và được bổ nhiệm hàng loạt chức vụ quan trọng tại bộ này trước khi về Hậu Giang giữ chức Phó chủ tịch tỉnh.

Song, nghĩ lại mà không khỏi toát mồ hôi hột bởi Bộ Công thương và cao hơn nữa, là nền kinh tế đất nước đã từng có lúc cực kỳ nguy hiểm. Đó là thời điểm mà Bộ này dưới sự điều hành của ông Vũ Huy Hoàng và người cộng sự Hồ Thị Kim Thoa.

Nói “toát mồ hôi hột” là có cơ sở bởi có lẽ chưa bao giờ ở ngành kinh tế đầu tàu của một quốc gia mà cả Bộ trưởng lần Thứ trưởng đều bị kỉ luật. Lo bởi những “di họa” để lại cho hậu thế và người kế nhiệm chắc chắn là không hề nhỏ.

Trở lại vụ việc của bà Thoa, với nhận định “nghiêm trọng” của UB Kiểm tra Trung ương, chắc chắn hình thức kỉ luật cũng sẽ là nghiêm trọng.

Song, như tất cả mọi vụ việc, điều quan tâm nhất của người dân lúc này là những vi phạm về kinh tế sẽ được xử lý như thế nào? Có thu hồi được những tài sản mất mát (nếu có) của nhà nước hay không? Và hình thức kỉ luật nào tương xứng với những khuyết điểm nghiêm trọng trên? Liệu có lặp lại “bài ca đi cùng năm tháng” mang tên “kiểm điểm”, “khiển trách”, “cảnh cáo” và thậm chí là “cách chức”?

Bùi Hoàng Tám