Hiện đại - Hại điện?
(Dân trí) - Việt Nam đang trở thành một quốc gia hiện đại. Việc này sẽ tiếp diễn, dù tôi có viết gì, dù bất cứ ai có làm gì. Đó là một đoàn tàu không thể dừng.
Có nhiều cái tên cho việc này: Nước đang phát triển, Thị trường mới nổi, v.v...
Dù sao, không thể phủ nhận những ích lợi của cuộc sống hiện đại: Máy bay, máy giặt, thuốc kháng sinh...
Nhưng một mặt nào đó, công nghệ, vốn có mục đích giúp đỡ chúng ta, cũng bó buộc ta, xâm chiếm một phần lớn cuộc sống của ta.
Tôi sẽ cho bạn một ví dụ. (Tôi hơi "già" và chậm chạp). Lần đầu tiên tôi có một chiếc điện thoại di động là ở Việt Nam. Khoảng 3 năm trước. Tôi mua điện thoại vì cần thiết, không phải vì tôi muốn.
Thực ra, bạn bè tôi ở Los Angeles trong suốt nhiều năm từng bảo tôi là điên vì không có điện thoại di động.
Bây giờ, tôi tự hỏi, không biết cuộc sống của mình trước hay sau khi có di động thì tốt hơn?
--------
Điện thoại di động là một trong những thành tựu lớn nhất, hay tiện ích lớn nhất, của cuộc sống hiện đại. Internet, ô tô và nhiều thứ khác cũng vậy.
Nhưng khi nghĩ lại về quãng thời gian trước khi có di động, ngoài những lời trêu cợt của bạn bè, tôi cho rằng cuộc sống lúc đó của tôi đơn giản hơn.
Trước đây, khi ai đó muốn gọi tôi, họ bấm số của tôi. Điện thoại reo ở nhà. Nếu tôi không có ở đó, họ sẽ gọi lại sau. Không sao cả.
Nhưng giờ đây câu chuyện khác hẳn. Điện thoại đi theo tôi, mọi lúc mọi nơi.
Tôi thực sự từng nằm mơ thấy chuông điện thoại reo. Tôi choàng tỉnh giữa đêm. Tôi sợ phải tắt máy. Tôi từng thử, nhưng cái màn hình bé xíu nhìn chằm chằm vào tôi, nói rằng "Cậu không dám đâu".
Và tôi không dám thật.
Samsung thậm chí đã xâm chiếm những giấc mơ của tôi. Điện thoại của tôi khiến tôi sợ chết khiếp.
Điều này có tốt không nhỉ?
Đúng, tôi có thể gọi Tuấn hay Jane vào bất kỳ lúc nào, nhưng họ cũng có thể gọi tôi! Và bạn biết gì nữa không? Họ biết là tôi biết họ đã gọi. Nên nếu tôi không gọi lại, thì là có vấn đề.
Công nghệ được tạo ra để giúp chúng ta trong cuộc sống. Đúng là điện thoại giúp tôi, nhưng nó cũng là một gánh nặng.
Bạn có thể gọi tôi là người lãng mạn, hoặc ngây thơ, vì tôi là người Mỹ chăng?
Tất nhiên cũng có những người hoài niệm thời xe đạp, thời tĩnh lặng. Ngây thơ? Lãng mạn? Sao cũng được.
Nhưng xe đạp đã bị xe máy thay thế. Giờ bạn không phải guồng chân nữa. Bạn không phải sử dụng nhiều năng lượng thế nữa.
Nhưng tác hại là sự ô nhiễm.
À mà tôi còn quên vụ tắc đường nữa.
Tôi chưa khảo sát, nhưng tôi sẵn sàng cá 1 triệu đồng với bất cứ ai rằng nếu có một cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện về 5 vấn đề lớn nhất đối với Hà Nội và TP. HCM hiện tại, giao thông sẽ có mặt trong 90% số câu trả lời.
Công nghệ đã làm cho cuộc sống của chúng ta tốt lên, nhưng nó cũng đã làm cho cuộc sống xấu đi.
-----------
Tôi chờ đợi ý kiến của các bạn. Các bạn có thể sẽ nói, vì tôi đến từ một nước "phát triển", nên tôi không thể bình luận về thời xưa, ở đây cũng như ở phương Tây.
Vì thế tôi sẽ kết thúc với một câu trích dẫn từ một nhà khoa học Anh đã quá cố từ lâu. Tên ông ấy là Havelock Ellis. Ông ấy nói khi nước Anh (có lẽ) còn kém phát triển hơn Việt Nam bây giờ: "Cái mà chúng ta gọi là sự tiến bộ là đổi chác phiền toái này lấy phiền toái khác".
Tôi không đứng trước "đoàn tàu của sự tiến bộ". Không đời nào. Đứng trước các đoàn tàu là việc không được lành mạnh.
Nhưng tôi đồng ý (với Ellis).
* Độc giả có thể đọc bài viết này của Brian bằng bản tiếng Anh tại đây.
Brian
(U.M dịch)