Hãy nhìn xa trông rộng

(Dân trí) - Đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 4 triệu đồng/tháng đối với bản thân người nộp thuế lên mức 9 triệu đồng và từ mức 1,6 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc lên mức 3,6 triệu đồng của Chính phủ đã không được UB Tài chính Ngân sách tán thành.

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

  Như vậy là những ý kiến đề xuất, góp ý xây dựng của các chuyên gia và cộng đồng đã không được ghi nhận. Có một điều rất đáng băn khoăn, trong khi Chính phủ đề xuất mức thu thuế khoan thư sức dân. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại phiên thảo luận về dự luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi cũng nói:“Tôi thấy mức giảm trừ gia cảnh nâng lên 9 triệu đồng hợp lý vì mức đó chỉ đủ sống tạm. 9 triệu là thu nhập chưa cao”.

Thế nhưng Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội thì lại hạ xuống.

Cái mà Ủy ban Tái chính Ngân sách lo toan là giảm thu ngân sách và làm mất đi bản chất của việc đánh thuế thu nhập bởi vì chỉ thu người có thu nhập cao. Ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban cho rằng: “Mức nâng như Chính phủ đề xuất tôi sợ nhanh quá. Chúng ta sẽ phải bỏ ra 10.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách, trong khi còn bao nhiêu vấn đề xã hội phải giải quyết”. 

Điều mà ông Hiển nêu rất không thuyết phục, bởi vì số tiền mà ngân sách giảm thu từ việc nâng mức chịu thuế không mất đi đâu cả mà nó nằm trong dân. Số tiền đó phục vụ cho mục đích tiêu dùng, người dân có mua sắm, tiêu xài thì nền sản xuất mới phát triển. Nền sản xuất phát triển thì nhà nước thu được thuế. Nếu tính cho ra nhẽ, kinh tế phát triển, sản xuất ra nhiều hàng hóa sản phẩm, sức tiêu thụ cao thì nguồn thu ngân sách từ các hoạt động sản kinh doanh, dịch vụ không chỉ tạo nguồn thu ngân sách lớn mà còn bù đắp được khoản chênh lệch giảm từ việc nâng mức chịu thuế thu nhập cá nhân. Nhìn xa trông rộng chính là chỗ này đây.

Việc khác, thu nhập 9 triệu đồng/tháng mà cao ư! Nói như thế thì biết đến bao giờ dân mình mới khá được. Cuộc sống của con người không chỉ cơm ăn, áo mặc, mà còn nhiều điều kiện khác để làm nên một cuộc đời con người đúng nghĩa. Quan hệ xã hội, tích lũy văn hóa, chăm sóc sức khỏe là những giá trị làm nên giá trị sống, chất lượng sống. Các giá trị đó cũng phải mua bằng tiền, muốn xem một buổi ca nhạc, đi du lịch hay đọc một cuốn sách thì người ta phải bỏ tiền ra. Dân trí cao, đời sống tương đối ổn định thì sẽ hạn chế phát sinh các loại tệ nạn xã hội, nhà nước giảm bớt các khoản ngân sách giải quyết các vấn đề xã hội, thì đó cũng là cách tiết kiệm ngân sách. Nhìn xa trông rộng chính là chỗ này đây.

Một tầm nhìn khác đó là đời sống của luật. Luật Thuế thu nhập cá nhân bắt đầu có hiệu lực từ năm 2009, nhưng nó đã lạc hậu ngay từ khi mới sinh ra và phải loay hoay chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn. Hãy hình dung, mức chịu thuế 7 triệu đồng như Ủy ban Tài chính Ngân sách đề xuất  ngay bây giờ đã còn nhiều tranh cãi, liệu đến khi áp dụng thực sự thì nó có còn là mức phù hợp nữa hay không? Coi chừng lúc đó lại hội họp để sửa đổi.

Hãy chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí cho tốt. Số tiền đó đủ sức để bù đắp nhiều lần vào khoản miễn giảm mức chịu thuế thu nhập cá nhân cho dân. Vinashin, Vinalines và không ít tập đoàn doanh nghiệp nhà nước phá hàng chục nhìn tỉ đồng, trong lúc lại thu thuế người dân sát rạt đến chi li là cực kỳ phi lý.

 

Lê Chân Nhân

 

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!