Hành khách không phải là "chuột bạch" cho những thí nghiệm!

Hoàng Lam

(Dân trí) - Diễn tập để rút kinh nghiệm ứng phó với sự cố là cần thiết. Nhưng không lẽ mang tính mạng, sức khỏe của hành khách ra làm phép thử?.

Hành khách không phải là chuột bạch cho những thí nghiệm! - 1

LS Đức cho biết, các tình huống diễn tập nếu ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và sinh hoạt của người dân thì luôn phải được thông báo trước (Ảnh: Tiến Tuấn).

Tối 7/12, máy đếm trục tín hiệu ga Cát Linh bất ngờ xảy ra sự cố. Trên tàu lúc này có khoảng 40 hành khách. Sau 30 phút "đóng cửa" xử lý sự cố, có nhiều chuyến tàu không thể đến, đi từ nhà ga này.

Ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết đây là sự cố diễn tập theo tình huống diễn tập bất ngờ mà Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đưa ra trong quá trình vận hành khai thác. Mặc dù không được báo trước nhưng đơn vị vận hành nhà ga đã ứng phó và khôi phục tàu chạy đúng theo kịch bản. Lãnh đạo Metro Hà Nội cũng khẳng định sắp tới sẽ có thêm những tình huống diễn tập sự cố bất ngờ, không báo trước cho hành khách.

Theo ông Trường, tư vấn đánh giá an toàn hệ thống ACT (Pháp) khuyến cáo có 63 tình huống khẩn cấp có thể gặp phải trong quá trình vận hành tuyến đường sắt trên cao này. Trong năm đầu khai thác, đơn vị vận hành cần diễn tập một số tình huống sự cố khẩn cấp, có yếu tố bất ngờ (không báo trước).

Nếu là một tình huống sự cố giả định không được báo trước thì việc phản ứng và xử lý trôi chảy của đơn vị vận hành thật đáng ghi nhận. Tuy nhiên, an toàn tính mạng và sức khỏe của gần 40 con người đã "vô tình" được kéo vào phép thử này.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM, pháp luật hiện hành chưa cho phép cơ quan chức năng được diễn tập các sự cố bất ngờ mà không báo trước cho người dân. Việc Metro Hà Nội diễn tập như vậy mà không báo trước thì có thể coi là hành vi lấy người dân ra để thí nghiệm.

Không chỉ đối với vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông mà bất kỳ công trình nào khi đưa vào sử dụng, việc diễn tập để rút kinh nghiệm trong ứng phó với các sự cố là cần thiết. Trên thực tế, các hoạt động diễn tập ứng phó với các thảm họa thiên tai, hỏa hoạn và sự cố bất ngờ được thực hiện thường xuyên và duy trì hàng năm.

Mọi cuộc diễn tập đều được lên kịch bản kỹ càng với các tình huống giả định cụ thể, dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Người tham gia diễn tập phải được thông báo về kế hoạch thực hiện buổi diễn tập cũng như phân công từng phần việc để đảm bảo cuộc diễn tập đúng kế hoạch và quan trọng nhất là sức khỏe, tính mạng của người tham gia được an toàn tuyệt đối.

Bởi vậy, thật khó hiểu khi Metro Hà Nội không hề thông báo cho hành khách, để gần 40 con người vô can bỗng nhiên bị kéo vào một phép thử chưa từng có tiền lệ. Rõ ràng, việc "ép" hành khách tham gia vào một cuộc diễn tập có nguy cơ gây nguy hiểm cho bản thân họ là không phù hợp, cả về quy định pháp luật và đạo đức.

Việc bất đắc dĩ tham gia vào một tình huống có khả năng gây nguy hiểm mà chưa được chuẩn bị về tâm lý sẽ khiến hành khách có thể phải chịu những tổn thương tinh thần về lâu dài. Trường hợp hành khách không đánh giá đúng mức độ sự cố (dù đang là tình huống giả định), trong lúc hoảng loạn mà tự tìm cách thoát thân hoặc có những phản ứng tâm lý tiêu cực, vô tình gây tổn hại sức khỏe, thậm chí là tính mạng của mình, thì hậu quả sẽ vô cùng lớn.

Nếu quả thực, đây là một sự cố chứ không đơn thuần là "một cuộc diễn tập không báo trước", thiết nghĩ đơn vị vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng cần phải minh bạch thông tin với khách hàng của mình. Người dân bỏ tiền ra mua dịch vụ, họ có quyền yêu cầu được phục vụ tốt nhất và an toàn nhất.

Là một công trình giao thông hiện đại, văn minh, thì việc ứng xử với hành khách cũng phải tương xứng với tầm cỡ của công trình mang tính biểu tượng mới của một thành phố hiện đại. Nên nhớ rằng, hành khách là đối tượng để phục vụ, không phải là "chuột bạch" cho những thí nghiệm về sự an toàn của tuyến đường sắt đô thị này!.