Hẳn nơi chín suối, Trịnh lại mỉm cười!

(Dân trí) - Người xưa có câu: “Khi sinh ra, ta khóc mọi người cười. Khi ta mất đi, ta cười, mọi người khóc”. 12 năm đã trôi qua nhưng mỗi lần giỗ Trịnh vẫn rất nhiều nước mắt. Những giọt lệ yêu thương, kính trọng, biết ơn…

 
(Nhiều người yêu nhạc Trịnh đã ra mộ viếng Trịnh Công Sơn)

(Nhiều người yêu nhạc Trịnh đã ra mộ viếng Trịnh Công Sơn)

 
Đêm nhạc “Đóa hoa vô thường” kỷ niệm 12 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lễ viếng mộ ông ngày ¼ diễn ra trong tri ân, lắng nghe và kính trọng. Lần đầu tiên “Ca khúc da vàng” của Trịnh được công diễn sau 38 năm.
 
Phát biểu khai mạc, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh nói như rút từ gan ruột: “Thưa các bạn!
 
Cho tôi được phép thưa cùng quý vị như vậy, bởi vì không có một xưng hô nào gần gũi hơn, cảm xúc hơn và phù hợp hơn hai tiếng “bạn bè” trong không khí đêm nay”. Sau khi cảm ơn các nhà tài trợ, Trịnh Vĩnh Trinh nói thế này: “ Cuối cùng và trên hết, xin cảm ơn sự có mặt của 26.000 bạn bè - những người yêu nhạc Trịnh Công Sơn. Chúng ta gặp nhau nơi đây bằng một đêm của tình bạn, tình yêu quê hương trong một tiếng nói Da Vàng”.

 

Em gái của Trịnh Công Sơn nói vậy vì nhạc sĩ từng viết “Nối vòng tay lớn”, “Để gió cuốn đi - Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” và nhiều ca khúc như thế.

Tám ca khúc trong tập “Da Vàng” của Trịnh Công Sơn được công bố là sức thu hút không cưỡng được đối với những người yêu nhạc Trịnh. Nếu biết Trịnh Công Sơn với tình ca thì chỉ mới một nửa, một nửa còn lại chính là những ca khúc phản chiến dữ dội của ông. Trên sự phản chiến là lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu dân tộc của một nghệ sĩ thiên tài. Những dự cảm của ông là con mắt của một nhà tiên tri: “Khi đất nước tôi không còn chiến tranh. Mẹ già lên núi tìm xương con mình” (Tôi sẽ đi thăm).
Chính vì thế nên Hồ bán nguyệt Phú Mũ Hưng, quận 7 – TPHCM đông khán giả đến bất ngờ. Trước đó, nhiều người từ các tỉnh lên Sài Gòn, xếp hàng từ 3 giờ sáng để nhận vé miễn phí. Đêm diễn, cũng hàng ngàn người đó đến tham dự trong trật tự, lịch sự, văn hóa. Họ biết nhường nhịn nhau, không chen lấn, xô đẩy. Họ mời nhau những món ăn mang theo, chai nước, lon bia và từng nhóm cùng nhau hát những ca khúc da vàng chia sẻ tình cảm. Họ là cộng đồng, là bạn bè của nhau từ “trong tiền kiếp”.
 
Chợt nhớ Trịnh Công Sơn viết : “Ta thấy em trong tiền kiếp, với cọng buồn, cỏ khô” (Rừng xưa đã khép). Để rồi họ cùng nghe Hồng Nhung cất tiếng hát: “Mẹ về đứng dưới mưa, che đàn con nằm ngủ”, hay Thanh Lam tê tái: “Mẹ ngồi ru con nghe đất gọi thầm trọn đời lưu vong. Mẹ ngồi trăm năm như thân tượng buồn để lại quê hương” (Ca dao mẹ).
 
Khán giả của Trịnh Công Sơn, đủ mọi lứa tuổi, đến để cùng rung cảm: “Ôi dòng nước mắt trong tim. Chảy lai láng vào hồn. Nửa đêm gọi đến mình” (Giọt nước mắt quê hương).
 
Thương quê hương còn nghèo, thương đất nước còn khó. Đó là những gì Trịnh Công Sơn muốn gửi qua thông điệp âm nhạc. Hàng ngàn người đến, tự nguyện, lắng nghe với tất cả niềm cảm xúc.
 
Người xưa có câu: “Khi sinh ra, ta khóc mọi người cười. Khi ta mất đi, ta cười, mọi người khóc”.
 
Sẽ khó có ngày giỗ của nghệ sĩ nào được nhiều người đến tri ân, lắng nghe và kính trọng như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. 12 năm đã trôi qua nhưng mỗi lần giỗ Trịnh vẫn rất nhiều nước mắt. Hẳn nơi chín suối, Trịnh sẽ lại mỉm cười!

 

Lê Chân Nhân

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!