Hai phát ngôn về chuyện “hành dân” và điều cử tri mong mỏi
(Dân trí) - Người dân mong mỏi hơn nữa là lời nói đi đôi với hành động như lời cử tri Nguyễn Thái Hòa (Củ Chi): Mong các ứng viên trúng cử vào Quốc hội đã nói được thì phải làm hoặc nói ít mà làm nhiều. Còn nói rất nhiều mà không làm được gì thì cũng không nên nói.
Có hai phát ngôn về chuyện “hành dân” cùng được báo Dân trí đăng tải ngày 10/5. Một là của ông Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng. Hai là của Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng.
Tại Hội nghị Phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2015 của TP Cần Thơ sáng 10/5, Giám đốc Nguyễn Văn Hồng đề nghị cả thành phố xem lại chính mình khi đất “Tây Đô” có được những lợi thế nhất vùng ĐBSCL nhưng môi trường kinh doanh chỉ thuộc nhóm khá. Trong khi, nhiều tỉnh thành trong khu vực khó khăn hơn lại vươn lên được top đầu cả nước trên bảng xếp hạng chỉ số. “Cán bộ chính quyền các cấp, dù không phải là “hành” nhưng chưa thực sự 100% nhận thức, xác định mình là người phục vụ người dân, doanh nghiệp mà vẫn còn nghĩ bản thân ở vị thế người quản lý”. Ông Hồng nói, một câu nói hơi… “mềm mại”.
Thế nhưng cùng thời điểm đó, ngày 10/5, tại buổi tiếp xúc với cử tri huyện Củ Chi, ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV, ông Đinh La Thăng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM nói thẳng băng: “Thành phố đang tiếp tục tập trung cải cách bộ máy hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, loại bỏ khỏi bộ máy những người sách nhiễu dân, thái độ không đúng mực với dân”.
Thật ra, câu nói của ông Hồng so với câu nói của ông Thăng thì nó hơi… “mềm mại”. “Mềm mại”, có thể bởi tính cách ông Hồng vốn “nhẹ nhàng, tình cảm”. Nhưng cũng có thể bởi với cái chức Giám đốc sở, thì cũng nên nói và có thể cũng chỉ… được nói đến thế thôi.
Bởi nói như ông Thăng, “loại bỏ khỏi bộ máy” thì thứ nhất, có thể ông Hồng biết cơ chế của ta, dẫu là giám đốc sở có khi cũng chẳng có quyền đến thế. Vả lại thứ hai, biết đâu chả nhận lại được lời nhắc… “mềm mại”: Ông loại chúng tôi hay chúng tôi… loại ông?
Vì thế, thôi thì cũng lấy làm mừng vậy vì chỉ ít, ông Hồng đã hơn khối vị khác, là ngay cả những lời “mềm mại” cũng không dám nói.
Trong khi người dân thì luôn chờ đợi những câu mạnh mẽ, thẳng băng như ông Thăng. Trộm nghĩ, giá như vụ 146 Quán Thánh ở Hà Nội mà báo Dân trí phản ánh nhiều trong thời gian vừa qua mà vào tay ông Thăng thì có thể ối vị bị “loại khỏi bộ máy”?!
Có một thực tế là giờ đây, người dân đã không còn chán nữa mà phẫn nộ với một số cán bộ “sách nhiễu dân” nên rất mong Bí thư Thăng hãy loại bỏ ngay lập tức phần tử này. Còn con số “không đúng với dân” thì có lẽ hơi bị nhiều, sợ loại bỏ ngay lại… không có người làm việc.
Song, người dân mong mỏi hơn nữa là lời nói đi đôi với hành động như lời cử tri Nguyễn Thái Hòa (Củ Chi): Mong các ứng viên trúng cử vào Quốc hội đã nói được thì phải làm hoặc nói ít mà làm nhiều. Còn nói rất nhiều mà không làm được gì thì cũng không nên nói.
Bùi Hoàng Tám