Không “hành” thì cán bộ cũng chưa quan niệm mình là người phục vụ

(Dân trí) - “Cán bộ chính quyền các cấp, dù không phải là “hành” nhưng chưa thực sự 100% nhận thức, xác định mình là người phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) mà vẫn còn nghĩ bản thân ở vị thế người quản lý” - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Cần Thơ cho rằng, đây chính là rào cản lớn đối với năng lực cạnh tranh của các tỉnh thành.

Lãnh đạo thành phố chuyển động, cán bộ sở ngành vẫn… dậm chân

Tại Hội nghị Phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2015 của TP Cần Thơ sáng 10/5, Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Văn Hồng đề nghị cả thành phố xem lại chính mình khi đất “Tây Đô” có được những lợi thế nhất vùng ĐBSCL nhưng môi trường kinh doanh chỉ thuộc nhóm khá trong khi nhiều tỉnh thành trong khu vực khó khăn hơn lại vươn lên được top đầu cả nước trên bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh.

Đại diện Hiệp hội DN tại Cần Thơ góp ý về cơ chế hoạt động của UBND các cấp của thành phố với đời sống của người dân, hoạt động của DN.
Đại diện Hiệp hội DN tại Cần Thơ góp ý về cơ chế hoạt động của UBND các cấp của thành phố với đời sống của người dân, hoạt động của DN.

Cụ thể, theo công bố kết quả xếp hạng PCI năm 2015, TP Cần Thơ xếp hạng 14/63 tỉnh thành – tăng 1 bậc so với năm 2014, đứng hạng thứ 5 trong vùng ĐBSCL và xếp trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành khá.

Thành phố có 6 chỉ số thành phần trong thang đo PCI cải thiện so với năm trước, như chỉ số về chi phí không chính thức, chi phí thời gian, tiếp cận đất đai, tính năng động, thiết chế pháp lý, tính minh bạch.

Giám đốc Sở KH-ĐT thành phố cho biết, kết quả nổi bật nhất trong năm 2015 là thời gian chờ đăng ký và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được rút ngắn thấp nhất trong hơn 10 năm qua. Thời gian để làm thủ tục, hoàn tất sửa đổi nội dung đăng ký kinh doanh đã giảm mạnh từ 10 ngày xuống còn 3 ngày làm việc.

Thủ tục giấy tờ được cải thiện, đơn giản hơn tới 51,24%, DN giảm được 62,6% việc phải đi lại nhiều lần. 72,95% cán bộ công chức đã được đánh giá là làm việc hiệu quả, 62,81% được ghi nhận là thân thiện, nhiệt tình.

Dù vậy, Cần Thơ cũng giảm điểm ở 4 chỉ số thành phần của PCI như chỉ số gia nhập thị trường, đào tạo lao động, cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ DN.

Theo ông Hồng, kết quả khảo sát, hơn 50% DN cho rằng thành phố vẫn ưu ái cho các Tổng Công ty, tập đoàn nhà nước, gây khó khăn cho DN. 59% các DN tư nhân được khảo sát cũng nêu cảm nhận thành phố dành nhiều ưu tiên, đãi ngộ hơn để thu hút đầu tư nước ngoài.

DN cũng phản ánh công tác thanh kiểm tra của các cơ quan nhà nước vẫn là gánh nặng đối với nhiều DN. Có 74% DN từng phải tiếp đón 2-3 đoàn thanh, kiểm tra trong năm, nhất là trong các lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, kiểm toán, thuế, đất đai…

Giám đốc Sở KH-ĐT chỉ rõ một vấn đề là cán bộ chính quyền các cấp của Cần Thơ, dù không phải là “hành” nhưng chưa thực sự 100% nhận thức, xác định mình là người phục vụ người dân, DN mà vẫn còn nghĩ bản thân ở vị thế người quản lý.

“Sở KH-ĐT chúng tôi cũng thấy vấn đề này. Đó là một rào cản mà tôi đề nghị xem lại quan điểm, nhận thức của cán bộ thực thi chính sách trong việc giải quyết công việc cho DN” – ông Hồng nói.

Góp ý thêm, Giám đốc VCCI tại Cần Thơ – ông Vũ Hùng Dũng nhận xét, vấn đề của Cần Thơ là những chuyển động của lãnh đạo thành phố có thể cảm nhận rất rõ nhưng những chuyển biến về tư tưởng của cán bộ thực thi tại các sở, phòng, ban lại khó cảm nhận được hơn.

Hỗ trợ DN, theo ông Dũng, đáng ra là một thế mạnh của Cần Thơ khi Trung tâm xúc tiến đầu tư của thành phố hoạt động mạnh, thành phố cũng có nhiều trường ĐH, cơ sở đào tạo nên chỉ số đào tạo lao động tốt nhất trong khu vực ĐBSCL nhưng ngịch lý là thực tế việc hỗ trợ DN lại chưa ổn. Cộng đồng DN nói chung chưa cảm nhận được tinh thần, hoạt động hỗ trợ từ chính quyền.

Ông Dũng phân tích thêm, hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại rất quan trọng với DN nhưng cách làm của Cần Thơ hơi cũ. Cái khó của DN hiện tại không nằm ở khâu sản xuất nữa mà cần trợ giúp về maketing, về thị trường đề họ bán được hàng. Các cuộc gặp gỡ trực tiếp DN để giúp tháo gỡ, giải quyết vấn đề nên được thực hiện thường xuyên hơn, ông Dũng khuyến cáo.

Điện thoại của Giám đốc Sở thành đường dây nóng

Vấn đề người dân, DN, nhất là DN tư nhân, DN nhỏ đang gặp khó không phải là về sản xuất mà là hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm.
Vấn đề người dân, DN, nhất là DN tư nhân, DN nhỏ đang gặp khó không phải là về sản xuất mà là hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

Về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công, Cần Thơ đang vừa vươn lên vị trí “á quân” trên bảng xếp hạng PAPI. Đây là năm đầu tiên thành phố nằm trong nhóm tỉnh thành đat điểm số PAPI cao nhất. 4 năm liên tiếp được “chấm điểm” trước đó, Cần Thơ đều thuộc nhóm tỉnh thành có điểm trung bình thấp và thấp nhất cả nước.

Theo đó, cả 6 chỉ số thành phần của PAPI, Cần Thơ đều tăng điểm, trong đó nội dung có sự cải thiện lớn nhất chính là chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (tăng 37 bậc, từ vị trí thứ 39/63 tỉnh thành năm 2014 lên vị trí thứ 2/63 tỉnh thành năm 2015).

Chỉ số công khai minh bạch cũng là một nội dung được cải thiện đáng kể về điểm số, thứ hạng (tăng 56 bậc, từ vị trí thứ 59/63 tỉnh thành lên thứ 3/63 tỉnh thành). Chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân cũng thăng hạng 52 bậc. Chỉ số thủ tục hành chính công tăng 50 bậc, chỉ số cung ứng dịch vụ công tăng 29 bậc và chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở tăng 19 bậc.

Đại diện Sở Tài nguyên – Môi trường cho biết, Giám đốc Sở này đã chỉ đạo lấy luôn số điện thoại của mình làm số đường dây nóng, từ đó việc tiếp cận, hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn linh hoạt, nhanh chóng hơn. DN cảm thấy gần gũi, thân thiện hơn. Lãnh đạo đơn vị cũng thực hiện tiếp dân cố định vào chiều thứ 5 hàng tuần để giải quyết các yêu cầu, nhất là về khiếu kiện đất đai.

Thành phố cũng thực hiện công khai số điện thoại cá nhân của các lãnh đạo quận, huyện, sở, ngành tại phòng tiếp dân của mỗi cơ quan để những người đứng đầu có thể tiếp nhận, giải quyết phản ánh của người dân bất cứ lúc nào. Chất lượng cung cấp dịch vụ công như giáo dục, y tế được khẳng định đã cải thiện đáng kể nhưng vẫn không tránh được hiện tượng những vi phạm về y đức… khiến người dân bức xúc.

Đánh giá chung, lãnh đạo thành phố nhận định, việc chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cũng như những giải pháp cụ thể đã đem lại hiệu quả cao nhất của công tác quản trị,hoạt động hành chính của các cấp chính quyền. Theo đó, người dân được tiếp cận việc công khai tài chính cấp xã, công khai các khoản đóng góp ở địa phương, được lấy ý kiến khi chính quyền quyết định xây mới, sửa chữa các chương trình phúc lợi…

Dù vậy, trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Vẫn còn số ít người dân chưa hài lòng khi tếp xúc với cơ quan hành chính thành phố. Tệ tạn xã hội tại Cần Thơ từng lúc, từng nơi còn diễn biến phức tạp. Một số đơn vị, cơ sở công khai, minh bạch trong các lĩnh vực còn hình thức…

P.Thảo