Giờ đây dưới suối vàng, chắc Đại tướng vui lắm!
(Dân trí) - Tất cả chúng ta trong “gia đình BLOG ” ngày hôm nay hãy cùng chia vui cùng những người làm khuyến học Việt Nam, xin hướng về linh hồn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một tài năng văn võ song toàn, vị Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội Khuyến học Việt Nam. Giờ đây dưới suối vàng, chắc Đại tướng vui lắm.
Có một nơi mà ở đó, hội tụ đến gần 16% dân số với đầy đủ các thành phần, từ chính khách cao cấp ở Thủ đô Hà Nội đến những người nông dân chân lấm tay bùn ở những miền xa xôi của Tổ quốc. Không phân biệt tuổi tác, giới tính hay địa vị xã hội, họ cùng nhau tụ hội trong căn nhà mang tên Hội Khuyến học Việt Nam.
14.557.471 hội viên, 99,23% cấp xã có Hội khuyến học cơ sở, 142.661 Chi hội, 115.701 Ban Khuyến học, 11.038 Trung tâm Học tập cộng đồng, 8.427.421 gia đình đạt danh hiệu gia đình hiếu học, 65.200 dòng họ hiếu học, 60.356 Cộng đồng khuyến học…
Đó là những con số biết nói về thành tựu mà Hội Khuyến học Việt Nam đã làm được 20 năm (1996 - 2016) qua.
Khi các bạn đọc những dòng chữ này, là lúc hơn 450 đại biểu tiêu biểu đại diện cho những người làm khuyến học cả nước đang tổ chức Đại hội lần thứ 5 của mình.
Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng và chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, cần phối hợp chặt chẽ tạo mọi thuận lợi cho Hội Khuyến học Việt Nam làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền sâu rộng, thực hiện hiệu quả quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư…”.
Nhìn những mái đầu bạc phơ chiếm hầu hết các dãy ghế, không khỏi chạnh lòng và khâm phục. Chạnh lòng vì hầu hết hội viên hội Khuyến học Việt Nam đều là những người cao tuổi, sức khỏe hạn chế và xúc động bởi dưới những mái đầu bạc phơ kia, là trái tim đầy nhiệt huyết, luôn trăn trở vì sự nghiệp khuyến học, khuyến tài cũng tức là vì tương lai nước Việt.
Công bằng mà nói, giáo dục và đào tạo nước ta hiện nay đã, đang và vẫn sẽ còn là mối lo ngại sâu sắc nhất đối với sự phát triển của Việt Nam không chỉ hôm nay. Cũng không thể nói khác, giáo dục đào tạo hiện cũng là nơi nhiều bức xúc nhất và cũng nhiều khiếm khuyết nhất. Đặc biệt, khi mà sự phát triển của khoa học thế giới hôm nay không cho phép bất cứ một quốc gia nào dừng lại chứ không nói là giật lùi.
Đối với lĩnh vực này, Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã nói một câu rất nổi tiếng, đại để thất bại của giáo dục là thất bại của thất bại.
Thế nhưng với truyền thống hiếu học và tinh thần sáng tạo của dân tộc ta, sự khiếm khuyết này đã phần nào được bù đắp bởi những phong trào khuyến học, khuyến tài trong cộng đồng xã hội và những người đi tiên phong đồng thời trực tiếp thực hiện điều đó chính là hội viên và các tổ chức hội khuyến học từ trung ương đến địa phương.
Trong những ngày hội của những người làm khuyến học này càng nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội Khuyến học Việt Nam.
Vốn là một nhà giáo (Giáo sư Sử học), sau khi “xếp bút nghiên”, từ giã giảng đường cùng toàn dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, Đại tướng còn tham gia rất tích cực cho phong trào khuyến học, khuyến tài và được những người làm khuyến học Việt Nam suy tôn làm Chủ tịch danh dự.
Một kỉ niệm không thể nào quên là trước ngày trao Giải thưởng Nhân tài Đất Viêt 2013 của Hội Khuyến học Việt nam 03 tháng, không hiểu có sự tiên đoán nào về ngày đi xa của mình, Đại tướng đã viết thư chúc mừng gửi cho Ban tổ chức Giải thưởng.
Và chính vì thế, tuy Đại tướng đã đi xa trước đó hơn một tháng (4/10/2013) nhưng tại Lễ trao giải thưởng Nhân tài Đất Việt (ngày 19/11/2013) vẫn có thư của Đại tướng như một niềm động viên khịch lệ to lớn đối với không chỉ Ban tổ chức, các thí sinh tham dự mà còn làm xúc động trái tim đồng bào cả nước.
Trở lại với những người làm khuyến học Việt Nam, trong khi một số cán bộ, công chức “ăn không từ thứ gì của dân”, “bán không từ thứ gì của nước” thì vẫn còn đó những người “làm tất cả cho dân”, “làm đến hơi thở cuối cùng vì nước”, đó là những nhà khuyến học.
Họ không nề hà bất cứ việc gì, từ khuyến khích, động viên con cháu, kêu gọi tài trợ cho đến việc tổ chức các Trung tâm học tập cộng đồng…
Họ chính là những ngộn đuốc thắp sáng mãi tinh thần hiếu học của dân tộc đồng thời thực hiện mong ước cuối cùng và cũng là mong ước lớn nhất của Hồ Chủ tịch trước lúc Người đi xa: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Xin tất cả chúng ta trong “gia đình BLOG ” ngày hôm nay hãy cùng chia vui cùng những người làm khuyến học Việt Nam và chúc họ, những trái tim cháy bỏng một tinh thần mang tên Khuyến học.
Xin hướng về linh hồn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một tài năng văn võ song toàn, vị Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội Khuyến học Việt Nam. Giờ đây dưới suối vàng, chắc Đại tướng vui lắm.
Bùi Hoàng Tám