“Giáo viên không phải ăn mày” và bài học “của cho, cách cho”
(Dân trí) - Bài toán nâng cao thu nhập cho thầy cô giáo là cần thiết, song nó phải được thực hiện trên nền tảng văn hóa và lễ nghi nhất định. Do vậy, đề xuất của TS Tùng tuy xuất phát từ một động cơ tốt nhưng lại gặp phản ứng từ chính những người thu hưởng cũng là điều dễ hiểu.
Một sáng kiến xuất phát từ sự quan tâm đã và đang nhận được những ý kiến khác nhau, đặc biệt là không ít những người “được lợi” của việc làm này lại bày tỏ phản đối mạnh mẽ nhất.
Đó là đề xuất của TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Đại học FPT. Theo đó, ông Tùng đề xuất là mỗi học sinh (phụ huynh) tiểu học hàng tháng góp 100 ngàn đồng, tạm gọi là vào Quỹ Giải cứu Giáo viên Tiểu học, hoặc Quỹ Khuyến dạy.
Số tiền này, cộng thêm đóng góp của các nhà hảo tâm sẽ dành để bổ sung cho thu nhập giáo viên. Với tỷ lệ học sinh/giáo viên là 19.7, mỗi giáo viên sẽ được 1,97 triệu/tháng trong thời gian 10 tháng/năm.
Trước hết, phải nói đây là giải pháp xuất phát từ mong muốn nâng cao đời sống giáo viên để từ đó, các thầy cô chuyên tâm hơn nữa vào công việc chuyên môn, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Cũng phải nói thẳng là thời nào cũng vậy, vật chất (mà cụ thể ở đây là tiền) luôn có những giá trị nhất định của nó, đặc biệt là đối với giáo dục tiểu học, khi mà đồng lương còn đang thấp, chưa thể sống được hoàn toàn nhờ lương.
Với tình trạng ngân sách bây giờ, việc cả nước chung tay góp công, góp của cho ngành giáo dục là rất cần thiết. Theo tính toán của TS Tùng trao đổi với báo chí, giả sử mong muốn thu nhập giáo viên mỗi tháng thêm khoảng 2 triệu đồng, với 392.442 giáo viên tiểu học công lập, sẽ cần khoảng 9.400 tỉ đồng/năm.
Con số 9.400 tỉ đồng chỉ chi cho giáo dục tiểu học là quá lớn đối với ngân sách hiện tại, song nếu người dân đồng ý tham gia thì mỗi phụ huynh chỉ cần góp 100 ngàn đồng/tháng.
Tuy nhiên nhìn một cách tổng thể cả nước, 100 ngàn đồng là con số không lớn đối với phụ huynh ở các đô thị nhưng lại không hề nhỏ đối với nhiều gia đình ở nông thôn, nhất là người dân các vùng kinh tế còn khó khăn lại đông con.
Song, sự phản đối không chỉ nằm ở khía cạnh vật chất mà cao hơn đó, là giá trị tinh thần khi không ít giáo viên cho rằng đây là sự xúc phạm.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều thầy cô giáo bày tỏ sự không đồng tình với phương án này. Thậm chí, trên báo Lao động, một thày giáo bực tức thốt lên: “Giáo viên mong mỏi được trả đúng công sức lao động, nhưng giáo viên không phải ăn mày, cũng không phải đối tượng cần cứu đói. Đây là nhiệm vụ của các nhà hoạch định chính sách, quản lý xã hội, chứ không phải đi đổ đầu học sinh. Học sinh cũng nghèo lắm…”.
Một thầy giáo khác thì cho rằng dùng tiền của học sinh thì gián tiếp hạ thấp tư cách nhà giáo, xúc phạm niềm tin và tự trọng trong họ. Do đó về lâu dài, vẫn cần phải điều tiết chính sách và ngân sách.
Đến đây thì có lẽ cũng cần nhắc lại một lần nữa, đề xuất của TS Tùng xuất phát từ một mong muốn tốt. Tuy nhiên người xưa có câu: “Của cho không bằng cách cho”. Đặc biệt là đối với thày cô giáo, một lĩnh vực nhiều nhạy cảm.
Người xưa mỗi khi trả tiền học phí cho các ông đồ, phụ huynh thường bỏ tiền vào đĩa phủ vải đỏ, trịnh trọng mang đến tận nhà thầy để cảm tạ chứ thầy đồ không “bán chữ”.
Đành rằng giờ đây, một số giáo viên có tư tưởng “phụ huynh là chùm khế ngọt”, cũng giở đủ mánh khóe để “quay quắt” nhưng đó chỉ là số ít.
Vì thế, bài toán nâng cao thu nhập cho thầy cô giáo là cần thiết, song nó phải được thực hiện trên nền tảng văn hóa và lễ nghi nhất định. Do vậy, đề xuất của TS Tùng tuy xuất phát từ một động cơ tốt nhưng lại gặp phản ứng từ chính những người thu hưởng cũng là điều dễ hiểu.
Bùi Hoàng Tám