Giáo dục kỹ năng sống khác với “dâm thư”
(Dân trí) - Dư luận lên tiếng phản biện cũng như ủng hộ về nội dung “sờ vào vùng kín” trong sách giáo dục kỹ năng sống của Nhà xuất bản Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau những xôn xao bàn tán, cần bình tĩnh nhìn lại để thấy rằng, việc giáo dục kỹ năng sống rất quan trọng và cần hết sức cụ thể, không né tránh, tất cả vì mục đích chuẩn bị hành trang cho con cái chúng ta.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Xã hội hiện đại với các băng thông trên Internet, thông tin lợi ích đến rất nhiều nhưng cái xấu xâm nhập cũng không ít. Con cái chúng ta đối diện với quá nhiều cạm bẫy, có những trường hợp mất mát đau dớn vô cùng, nhìn lại cũng vì thiếu trang bị kỹ năng sống.
Hằng ngày đọc báo, có nhiều thông tin trẻ em bị xâm hại tình dục. Ngoài ra, có nhiều vụ án hiếp dâm trẻ em hay giao cấu với trẻ vị thành niên, người bị hại cũng như người xâm hại ngẩn ngơ không biết vì sao mình bị hại và vì sao mình là người phạm tội trong lúc đối tác tình dục hoàn toàn tự nguyện. Khi ra tòa, người bị hại van nài xin tha tội cho người xâm hại mình. Còn bị cáo khóc lóc trước tòa là “chúng cháu yêu nhau”.
Vì sao vậy, câu trả lời là vì thiếu kỹ năng sống. Cái thiếu dó không phải lỗi của con cái mà lỗi tại người lớn.
Đa số phụ huynh ngại ngùng khi nói với con cái về tình dục, coi đó là chuyện như thời phong kiến gọi là “dâm thư”. Trẻ không biết lý thuyết về tình dục nhưng bản năng tò mò, không trước thì sau cũng đối diện với thực tế. Vậy tại sao chúng ta không trang bị kỹ lưỡng từ trước, để không có nỗi đau một đứa trẻ bị hiếp dâm hay xâm hại tình dục và một đứa trẻ khác phải vào tù vì tội danh hiếp dâm.
Trong nhà trường hiện nay, dạy kỹ năng sống như học bơi, leo núi, nấu ăn, thêu thùa, an toàn giao thông, học kỳ quân đội, học kỳ nhà chùa, những kỹ năng đó rất cần thiết. Tuy nhiên, riêng kỹ năng tự bảo vệ mình khỏi những tấn công tình dục cũng cần thiết không kém. Một bé gái lên mạng, bị một thanh niên dụ dỗ đi chơi và bị xâm hại, bởi vì bé gái đó đã không được trang bị kỹ năng tự bảo vệ trước đó.
Một bé gái có người cho đi nhờ xe, bé không đắn đó người đó tốt hay không, hồn nhiên lên xe, đó là vì không ai cảnh báo nguy cơ bị tấn công. Vậy tại sao chúng ta không mạnh dạn giáo dục các kỹ năng tự bảo vệ để không xảy ra các trường hợp đau lòng mà chúng ta vẫn đọc trên báo hằng ngày.
Các bậc làm cha làm mẹ e ngại về một bài học “sờ vào vùng kín” trên sách hay là chịu đau đớn khi đứa con bị xâm hại? Chắc chắn không ai lựa chọn phương án hai.
Tuy nhiên, cũng cần góp ý với các nhà soạn sách, mục đích rất đúng đắn, nhưng sử dụng ngôn ngữ khéo léo, chuyển tải được thông tin, nhưng không gây sốc cho cộng đồng, đó mới là nghệ thuật sư phạm.
Lê Chân Nhân
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!