Giấc mơ của mẹ Bống

(Dân trí) - Nghe chuyện này, chắc có người bảo: Chỉ phịa. Nhẹ nhàng hơn cũng cho là bệnh nghề nghiệp, nói quá lời. Thậm chí, có thể có người còn nâng quan điểm: Chỉ giỏi bới móc để nói xấu. Không. Mình không bịa, không bốc phét cũng không nói xấu. Thật. Thật đến 101%.

Giấc mơ của mẹ Bống - 1
(Ảnh minh họa: Ngọc Diệp)

 

Cả khu phố nhà mình dịp này vui hơn dạo 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Mọi ngày, mặt ai cũng khó đăm đăm. Thế mà mấy bữa nay, ai nấy mặt mũi tươi hơn hớn. Thậm chí nhiều bà, nhiều cô còn cười teo toét, phô hàm răng rực rỡ màu… hoa cà, hoa cúc.

 

Có chuyện gì mà vui dữ vậy? Thưa rằng có đấy ạ. Chả là phường mình có nước sạch. Mà nguồn nước mặt sông Đà của Vinaconex hẳn hoi. Được dùng nước sạch thì đương nhiên là mừng rồi nhưng làm gì mà phát rồ, phát dại lên thế? Có đấy ạ. Có lý do đấy ạ. Nói ra, có thể các bạn lại không tin. Chả là (lại “chả là”) nhà mình thuộc phường Định Công, quận Hoàng Mai, thuộc nội thành Hà Nội (ý quên, đã là phường, là quận chắc chắn phải là thuộc nội thành rồi, nhưng thôi, mình cứ “nói lại cho rõ”), nằm cách trung tâm bờ hồ Hoàn Kiếm khoảng 3 - 4 km đường chim bay, khoảng 4 - 5 km đường… chim không bay, tức là chim đi xe đạp, xe máy, xe ô tô hay chim… đi bộ. Đại loại là như thế.

 

Vậy mà mấy chục năm qua, vùng đất này giống như nàng thôn nữ ngủ quên giữa bốn bề Thủ đô đang từng ngày, từng giờ phát triển đến chóng mặt. Ít ai có thể ngờ rằng chí cách đây mấy ngày (vì vừa có nước sạch), Phường Định Công còn như một ốc đảo với 3 không: Không được dùng điện trực tiếp của Công ty Điện lực, phải mua lại từ nguồn điện của HTX Nông nghiệp Định Công. Không được đầu tư cơ sở hạ tầng, cả xã xuyên suốt là con đường làng từ ngàn xưa để lại, mỏng như sợi chỉ luôn đông nghẹt người, xe. Và không có nước sạch. Muốn có nước sử dụng cho ăn uống, nhiều gia đình phải mua với giá 110 ngàn đồng/m3. Vì dùng nước giếng khoan nên quần áo người Định Công thường ánh lên màu vàng của mùa thu Hà Nội và nụ cười của các bà các chị cũng rực rỡ màu… hoa cúc?

 

Ở phường Định Công còn lưu truyền một bài thơ của chàng trai xứ khác tặng cô gái phường mình: “Nhà em ở… xứ Định Công - Phố không ra phố, làng không ra làng - Dòng sông thơ mộng Kim Giang - Mỗi lần gió nổi… thối oang cả vùng”. Có lẽ vì cơ sở hạ tầng yếu kém nên đất Định Công “bèo” nhất Thủ đô?

 

Người mừng nhất phường Định Công dịp này có lẽ là mẹ của Bống nhà mình. Mẹ Bống ngày tắm đến 5 lần. Sáng tắm, trưa tắm, chiều tắm, tối tắm, nửa đêm cũng dậy tắm.

- Mẹ Bống dở hơi hay sao mà tắm lắm thế? Mình thấy mẹ Bống mở van nước phe phé, xót ruột bảo.

 

- Ba Bống chả tâm lý tí nào. Theo anh về đây gần 10 năm trời, có bao giờ em được dùng nước sạch thỏa mái như bây giờ đâu. Ba Bống thử nghĩ mà xem, thân em không bằng cái xe máy trên phố. Cái xe máy trên phố còn được rửa bằng nước máy, nước sạch. Em thì ăn cũng nước giếng khoan mà tắm cũng nước giếng khoan…

 

- Thôi mẹ Bống ơi, từ nay thì đổi đời nhé.

- Đổi cái gì. Mới được có mỗi tí nước sạch...

Tưởng rằng tắm táp sạch sẽ, mát mẻ, mẹ Bống sẽ ngủ ngon. Nào ngờ nửa đêm đang say giấc nồng thì mẹ Bống lôi dậy thủ thỉ:

- Em vừa mơ hay lắm ba của Bống ạ.

- Mơ gì em? Đang ngái ngủ, định hỏi cho qua chuyện, nào ngờ mẹ Bống dựng phắt mình dậy.

- Em mơ phường mình có đường, một con đường  to, rất to, to hơn cái con đường “thênh thang 8 thước” của bác Tố Hữu mấy lần. Thế là từ nay, ba Bỗng không phải dậy từ 6 giờ sáng để đưa Bống đến lớp vì sợ không may đường tắc, muộn học. Các chú taxi không còn sợ xanh mặt mũi, lắc đầu mỗi lần nghe khách bảo: Cho về Định Công. Mà chưa hết đâu nhé. Em còn mơ nhà mình được mua điện trực tiếp từ Công ty Điện lực Hoàng Mai, vĩnh viễn thoát khỏi cảnh hiện nay điện đóm phập phù, giá cả thì vô tội vạ…

 

Ôi, đàn bà vốn tham lam. “Được đằng chân, lân đằng đầu”. “Có voi đòi tiên”. Vợ chồng ông lão đánh cá ơi! Cá vàng ơi!

 

Có thuốc nào chữa được bệnh tham lam của phái đẹp không? Có cách nào giảm bớt được bệnh “có voi đòi tiên” của mẹ Bống không?

 

 
Bùi Rửa Bát