Giá cả bình ổn sau Tết, hi vọng về một năm không có nhiều biến động

(Dân trí) - Sau Tết, giá cả thị trường ổn định, hàng hóa dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Người dân mong rằng, trong năm, sẽ không có những cú "tăng phi mã" của hàng hóa thiết yếu.

Giá cả bình ổn sau Tết, hi vọng về một năm không có nhiều biến động - 1

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giá cả thị trường trước, trong và sau Tết không có biến động lớn, cơ bản bình ổn nằm trong kiểm soát và diễn biến theo đúng với kịch bản công tác điều hành giá. Đặc biệt, tại các địa bàn chịu ảnh hưởng của bão lũ, thiên tai trong năm 2020, những địa phương chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân không phải chịu cảnh khan hiếm hàng hóa hay giá cao.

Sau một năm đầy khó khăn, các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, đặc biệt là thịt lợn, thịt bò và gia cầm đã được các siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ đầu mối... cung ứng đủ cho thị trường Tết.

Đây là một thông tin đáng mừng trong bối cảnh đất nước ta trải qua nhiều biến động ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh. Tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi diễn biến phức tạp, khiến người tiêu dùng phải đối mặt với nguy cơ khan hàng, đẩy giá, nhất là trong thời điểm Tết nguyên đán, khi nhu cầu thực phẩm tăng đột biến.

Với nhiều biện pháp kích cầu khôi phục sản xuất, chăn nuôi, công tác điều tiết và dự báo của Chính phủ, các Bộ ngành liên quan, sự chủ động của các địa phương, tình trạng đầu cơ, găm hàng, thổi giá đã không xảy ra. Nhờ vậy, người dân đã được đón một cái Tết khá đủ đầy trong bối cảnh thu nhập giảm sút do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thiên tai trong năm qua.

Năm 2021, ngành chăn nuôi đang nỗ lực tái đàn, đặc biệt là chăn nuôi lợn và gia cầm - 2 lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn châu Phi và dịch cúm gia cầm. Các hoạt động sản xuất khác cũng đang được tái thiết và đẩy mạnh theo phương châm "vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới" theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Nhu cầu đi lại, tiêu dùng thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, đồ mua sắm phục vụ lễ hội đầu năm chắc chắn sẽ giảm trong thời gian tới do việc dừng tổ chức các lễ hội trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thu nhập giảm sút, người tiêu dùng trong nước đã có những tính toán chi ly và tiết kiệm hơn. Do vậy, sức mua cũng được dự báo không thể sôi động như cùng kỳ các năm trước, khi chưa xảy ra dịch Covid-19.

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 vẫn đang được dự báo kéo dài có thể đến giữa năm 2022, nghĩa là trong thời gian tới, nền kinh tế vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó dịch bệnh gia súc được ghi nhận đang xuất hiện dịch trở lại ở nhiều tỉnh thành; tình hình thiên tai thời tiết diễn biến phức tạp, khắc nghiệt... 

Vừa kích cầu sản xuất, vừa đảm bảo đầu ra, vừa ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát là một thách thức không nhỏ đối với Bộ ngành và các địa phương trong thời gian tới.

Với những tín hiệu tích cực trong những ngày đầu năm, đặc biệt là qua công tác bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán vừa qua, chúng ta có niềm tin về việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng trong năm 2021 mà Chính phủ đã đề ra, trong đó GDP ở mức 6,5%, chỉ số CPI bình quân khoảng 4%.

Không chỉ trong dịp trước, trong và sau Tết mà người dân luôn kỳ vọng vào một năm ổn định về mọi mặt.

Hi vọng, nỗi buồn khẩu phần ăn của mỗi gia đình bị cắt giảm do giá quá cao của một số mắt hàng như năm 2020 sẽ không tái diễn trong năm mới này.

Hoàng Lam