Đừng để các nhà nghiên cứu biển Đông đơn độc

(Dân trí) - Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân vừa xuất bản cuốn sách “Hoàng Sa, Trường Sa – Nghiên cứu từ sử liệu Trung Quốc”. Tác giả đã có một hướng tiếp cận rất độc đáo, đó là lấy chính sử liệu của Trung Quốc để chứng minh Trung Quốc chưa từng xác lập chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đừng để các nhà nghiên cứu biển Đông đơn độc

Trong thời điểm hiện nay, thêm một công trình nghiên cứu để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là vô cùng quý giá. Theo tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, hiện Trung Quốc có 400 luận văn, luận án và các tài liệu, bài viết về biển Đông tràn ngập trong các trường đại học nước ngoài. Nhưng công trình của Việt Nam hầu như vắng bóng.

Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân đã bỏ ra 10 năm để hoàn thành công trình “Hoàng Sa, Trường Sa – Nghiên cứu từ sử liệu Trung Quốc”.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã tự bỏ tiền riêng hoặc sự giúp đỡ của bạn bè để đi giới thiệu công trình chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa đến các nước. Nhưng cũng từ những chuyến đi đó, ông nhận ra rằng cho dù mình có nhiều công trình cũng vô ích, nếu như không dịch sang tiếng Anh và tìm cách đưa vào trong các trường đại học, viện nghiên cứu của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, để dịch một công trình khoa học, một cuốn sách đạt chất lượng về nội dung và chuẩn văn phong Anh ngữ để được các cơ sở khoa học nước ngoài chấp nhận là điều không dễ dàng.

Chúng ta có những nhà nghiên cứu thầm lặng, không ăn “lộc nước”, tự bỏ tiền bạc, công sức để làm việc vì đất nước như  tiến sĩ Nguyễn Nhã, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân, Thạc sĩ Hoàng Việt… Nên chăng, các cơ quan có trách nhiệm tính đến việc hỗ trợ tài chính để họ làm việc có hiệu quả hơn.

Trước mắt, cần có sự hỗ trợ để dịch công trình về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ra tiếng Anh, sau đó, tìm kênh để giới thiệu đến các trường viện trên thế giới.

 Đừng để các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học đơn độc trên mặt trận đấu tranh bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Lê Chân Nhân

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

 

Cám ơn các bạn!